Nông dân bất bình     

Năm 1977, Cty TNHH MTV Cà phê Ea Ktur được UBND tỉnh Đắk Lắk giao hơn 992ha đất tại xã Ea Ning và Ea B’hốk để đầu tư trồng cà phê rồi giao khoán.

Sau khi triển khai trồng cà phê, đến năm 1993, toàn bộ diện tích cà phê do Cty trồng bị dịch bệnh chết hàng loạt. Thấy đất đai bỏ hoang, năm 2002, các hộ nhận khoán tự phục hóa, bằng 100% số vốn, công sức của mình đổ dồn vào trồng và chăm sóc cà phê, hồ tiêu, cao su.


Đơn thông báo về việc hủy bỏ hợp đồng giao khoán của người dân với công ty. Ảnh: Quỳnh Anh


Thời điểm người dân triển khai trồng, Cty không hề có động thái nào cấm hoặc gây khó dễ. Tuy nhiên, 6 năm sau, khi các vườn cây đang cho thu hoạch, bất ngờ Cty yêu cầu người dân phải ký hợp đồng nhận khoán. Theo hợp đồng, mỗi năm khi đến mùa thu hoạch, người dân phải nộp sản phẩm cho Cty. Cụ thể, cà phê phải đạt 85% chín đỏ, 15% cà phê chín vàng, tạp chất không vượt quá 1%; chất lượng tiêu đen: Loại dung lượng <550g/lít, thủy phần 12-13%.

Theo ông Trần Văn Xanh (thôn 8, xã Ea B’hốk, huyện Cư Kuin), gia đình đầu tư 100% vốn trồng 5,2ha cao su từ năm 2005. Đến năm 2008, do thiếu hiểu biết, lại thấy một số hộ dân do không ký nhận khoán đã bị Cty tịch thu đất nên ông cùng các hộ dân ký vào hồ sơ nhận khoán theo Nghị đinh 135, hàng năm phải nộp 1,9 tấn cà phê quả tươi/ha, gần 6 tạ tiêu khô/ha. Do gia trồng cao su nên ông Xanh phải quy đổi cao su qua nộp bằng cà phê. “Sau khi ký hợp đồng nhận khoán, hằng năm chúng tôi phải nộp khấu hao tài sản cố định gồm văn phòng, sân bãi, thiết bị các loại… đến lương nhân viên Cty. Thực tế, những thứ đó không hề liên quan đến vườn cây của chúng tôi mà chỉ phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, thương mại khác của Cty”.

Cùng quan điểm với ông Xanh, ông Lê Đình Danh - hộ nhận khoán ở đội 3 bức xúc: Chúng tôi đã nhiều lần khiếu nại lên các cấp chính quyền để đòi quyền lợi chính đáng cho nông dân, chứ cứ để tiếp diễn tình trạng này chúng tôi phản đối tới cùng.

Tự đầu tư vốn vẫn phải nộp khoán

Để phản đối Cty, hơn 150 hộ dân đã đồng loạt đơn phương gửi đơn thông báo qua bưu điện về việc hủy bỏ hợp đồng giao khoán với Cty. Đáng chú ý, các hộ đơn phương hủy hợp đồng nhận khoán, nhưng không bàn giao vườn cây mà đòi hủy vai trò của Cty trên diện tích 992ha đang trồng cà phê, hồ tiêu.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Trịnh Ngọc Châu - Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Cà phê Ea Ktur cho biết: Thực tế thời gian qua Cty nhận được nhiều đơn thư của người dân yêu cầu chấm dứt hợp đồng. Quan điểm của Cty ai xin hủy chúng tôi cho hủy, nhưng yêu cầu họ trả lại vườn cây thì dân họ không chịu. Mục đích của họ là trì hoãn nghĩa vụ nộp khoán, làm cho Cty khó khăn, tê liệt, phá sản và phải trả đất lại cho chính quyền địa phương.

Theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP quy định về việc giao khoán đất nông nghiệp, việc giao khoán đất để trồng cây lâu năm sẽ theo 2 trường hợp: Bên giao khoán đầu tư 100% vốn (bao gồm chi phí làm đất, giống, vật tư, phân bón….) hoặc bên giao khoán và bên nhận khoán cùng đầu tư vốn. Mặc dù ký hợp đồng giao khoán theo Nghị định 135, nhưng thực tế 100% vốn đầu tư, chăm sóc là của người dân. Tuy nhiên, Cty vẫn bắt người dân nộp khoán. “Đúng là có những hộ đầu tư 100% vốn, nhưng họ vẫn phải nộp khoán để duy trì bộ máy vận hành của Công ty, khấu hao nhà xưởng, sân bãi, máy móc…”, ông Châu khẳng định.

Trước tình hình hàng trăm hộ dân đơn phương hủy bỏ hợp đồng, Cty đã báo cáo lên các cơ quan chức năng, đề nghị Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, Công an huyện Cư Kuin có biện pháp giải quyết. “Chúng tôi đang chờ kết quả thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để biết bên nào đúng, bên nào sai mà giải quyết dứt điểm vấn đề”, ông Châu nói.

                                                                                                       Quỳnh Anh