Trở lại với tỷ lệ thất nghiệp 1,84%, con số lẻ này biểu hiện một sự nghiêm túc, chi ly của kết quả nghiên cứu càng khiến người ta ngờ ngợ hơn. Không rõ khái niệm “thất nghiệp” mà người ta căn cứ vào đó để đánh giá là như thế nào? Minh chứng cho tỷ lệ thất nghiệp ít ỏi đó, người có trách nhiệm cho rằng, nước ta không có thất nghiệp hoàn toàn mà khi không có việc làm chính thức thì họ làm thêm như chạy xe ôm, chạy chợ, bán vé số…

Như vậy, tiêu chí để đánh giá thất nghiệp đã rõ: Ai có việc làm, dù việc đó không phải chuyên môn của mình, dù việc đó chỉ là tạm bợ, thời vụ… thì không thể coi người đó là thất nghiệp. Với tiêu chí này thì ăn mày cũng chẳng thuộc loại thất nghiệp, thậm chí có nghề nghiệp hẳn hoi!

Điều này cũng lý giải vì sao đội ngũ đông đảo những cử nhân thất nghiệp phải đi bán hoa, phục vụ quan bar, làm dich vụ trang điểm, tiếp thị bia rượu… và một số thứ khác không thể kể ra cũng không được xếp vào loại thất nghiệp.

Đó là còn chưa kể đến lực lượng công nhân dư thừa bị mất việc mỗi khi nhà máy, công xưởng giãn thợ. Rồi trong từng thôn xóm, mỗi gia đình có sự “tồn đọng” của các thanh niên học xong một trường gì đó ra mà không thể chạy được việc làm, điển hình nhất là các em học ngành giáo viên đoàn - đội, thể dục, nhạc, họa, văn hóa… kết quả của việc mở lớp đào tạo ồ ạt, thu tiền học còn xã hội có nhu cầu không thì không cần biết đến. Lại còn vô số nông dân mất ruộng, ngồi ngáp dài với các việc vặt vãnh, thu nhập không đáng kể cũng không bị cho là thất nghiệp. Chợ trời lao động mỗi ngày một đông thêm, bữa được thuê, bữa không, liệu đó có phải biểu hiện sinh động của thất nghiệp.

Chúng ta chủ trương “nhìn thẳng, nói thật” thế mà những con số đánh giá thực trạng đời sống kinh tế - xã hội không gây cho dân chúng sự tin tưởng. Ví dụ rõ nhất là cách tính GDP của các địa phương, nếu cộng lại thì gấp đôi con số của toàn quốc. Người ta lý giải đó là bệnh thành tích, là thói tự sướng của quan chức, là con số dựa trên ý muốn của người lãnh đạo chứ không xuất phát từ thực tế. Điều này nguy hiểm cho việc hoạch định chính sách đã đành mà còn làm suy giảm đáng kể niềm tin của nhân dân vào sự trung thực của cán bộ Nhà nước.

Vừa qua, chỉ một thay đổi nhỏ trong chính sách mà những đối tượng cần trợ giúp nhà ở tăng vọt, có nơi gấp 40 lần con số thống kê trước đó. Tình trạng này cũng giống hệt như khi ngành Giáo dục báo cáo thành tích về xóa lớp học tranh tre lá nứa tạm bợ nhưng khi có trái phiếu Chính phủ dành cho xây dựng lớp học kiên cố thì vô số những tranh tre nứa lá lại hiện ra trong các báo cáo.

Đưa ra những con số, những tỷ lệ thiếu trung thực mà ai cũng biết. Đó có phải sự ứng xử có văn hóa hay chỉ là thói quen “cố đấm ăn xôi”, coi thường dư luận?

Nhị Ngọc