Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa chính thức công bố việc xử phạt phạt hành chính và tước quyền kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu với 18 doanh nghiệp đầu mối.

Trước đó, vào tháng 3, Bộ Công Thương đã thành lập 3 đoàn thanh tra chuyên ngành, để thanh tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu đối với 33 doanh nghiệp đầu mối. Việc thanh tra được triển khai gồm các nội dung liên quan đến quy định về hoạt động kinh doanh xăng dầu của những doanh nghiệp đầu mối, bao gồm cả hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, điều kiện phòng cháy chữa cháy, quy định về sở hữu, đồng sở hữu về phương tiện, tàu, kho bể, hệ thống phân phối...

Theo các quyết định được công bố, Bộ Công Thương đã xử phạt hành chính và tước quyền kinh doanh xuất, nhập khẩu 7 công ty xăng dầu thời hạn từ 1 đến 3 tháng và 11 công ty bị xử phạt hành chính.

Các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu chủ yếu là, duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định, nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức tối thiểu về số lượng, chủng loại được phân giao hàng năm, hay không gửi đăng ký hệ thống phân phối xăng dầu định kỳ với Bộ Công Thương trước ngày 31/1 hàng năm và gửi đăng ký điều chỉnh khi có sự thay đổi hệ thống phân phối, không xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất mà vẫn đưa dự án vào hoạt động...

Với các lỗi vi phạm này, 11 công ty này bị xử phạt hành chính với tổng số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng. Xử phạt hành chính các đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Trước đó, thực hiện Quyết định thanh tra số 188, Quyết định thanh tra số 189 và Quyết định thanh tra số 192/QĐ-BCT ngày 15/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu, các đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra đối với 33 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tại địa bàn các tỉnh, thành phố với thời kỳ thanh tra từ 01/01/2021 đến 11/02/2022.

Căn cứ hồ sơ, tài liệu mà các đối tượng thanh tra; hồ sơ, tài liệu của các đơn vị, cơ quan Nhà nước có liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu cung cấp, qua quá trình thanh tra, các trưởng đoàn thanh tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với các đối tượng thanh tra và thực hiện chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt.

Bên cạnh hình thức xử phạt chính (phạt tiền) còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung (tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 1,5 - 2 tháng) và biện pháp khắc phục hậu quả (buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính) căn cứ theo quy định của pháp luật.

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thực hiện nộp tiền phạt vào ngân sách Nhà nước, giao giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để người có thẩm quyền xử phạt làm thủ tục giữ theo thời hạn tương ứng được ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Ông Nguyễn Đức Quyện - Thư kí Đoàn Thanh tra, Bộ Công Thương cho biết, theo quy định của Nghị định 99 năm 2020 của Chính phủ việc tước giấy phép là quy định từ 1 - 3 tháng, căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành quyết định xử phạt. Trong giấy phép kinh doanh có quy định là được quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, do vậy trong quyết định xử phạt hành chính nếu có hình thức tước giấy phép là tước quyền kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu. "Hình thức xử phạt, theo quan điểm của chúng tôi, cơ quan quản lý nhà nước là đúng quy định và không hề gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp" - ông Nguyễn Đức Quyện thông tin.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) về tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.  

Còn theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, một trong những điều kiện để trở thành thương nhân xuất nhập khẩu xăng dầu là phải đảm bảo có 40 đại lý và 10 cửa hàng sở hữu, đồng sở hữu. Do đó, khi những thương nhân đầu mối này bị tước giấy phép kinh doanh, các cửa hàng, đại lý phải tìm nguồn cung thay thế nếu không sẽ phải đối diện với việc đóng cửa hàng, ngừng kinh doanh, gây ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp, phân phối.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, khi doanh nghiệp đầu mối bị tước giấy phép, các doanh nghiệp liên quan, nhất là doanh nghiệp nhập hàng phản ánh về vấn đề thiếu nguồn cung, thì chưa hợp lý và không chính xác. "Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu do vi phạm, sau khi hết thời hạn tước giấy phép, việc cấp phép lại cơ quan quản lý Nhà nước cần siết chặt hơn, để các doanh nghiệp nhận thấy bài học thích đáng, khi kinh doanh không lành mạnh và không đủ điều kiện” - ông Ánh nhấn mạnh.

Còn theo ý kiến từ các chuyên gia, khi doanh nghiệp đã bị tước giấy phép cần phải rà soát lại một cách kỹ lưỡng, thận trọng xem có đủ điều kiện hay không, nếu không đủ điều kiện thì dứt khoát phải thu hồi, để làm trong sạch, lành mạnh thị trường. Ngoài ra, việc hậu kiểm cần phải được triển khai quyết liệt và sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.

Uyên Uyên