880 tỷ đồng chưa được nộp vào ngân sách

Để thực hiện mục tiêu đấu giá đất, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của 30 quận, huyện, thị xã, gồm 634 dự án với tổng diện tích 1.561,42ha làm căn cứ thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất đấu giá năm 2022 và các năm tiếp theo.

Ông Mai Trọng Thái - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, đến nay, UBND các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển Quỹ đất Hà Nội tổ chức đấu giá đất tại 33 dự án với tổng diện tích khoảng 5,87ha (diện tích đất ở, không bao gồm đất xây dựng hạ tầng), số tiền trúng đấu giá khoảng 1.955,95 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, TP đã thu được khoảng 3.106 tỷ đồng (đạt khoảng 25% chỉ tiêu thu ngân sách 2022 từ đấu giá đất). Trong đó, số thu từ năm 2021 chuyển sang là 1.991 tỷ đồng, thu năm 2022 là 1.115 tỷ đồng. Đáng nói, hiện còn 880 tỷ đồng chưa thu được do người trúng đấu giá chưa nộp vào ngân sách.

Sở TN&MT cũng cho biết, trên địa bàn TP đến nay có 143 dự án/khu đất với tổng diện tích khoảng 87,6ha đã được UBND TP quyết định giao đất, đang chuẩn bị điều kiện để tổ chức đấu giá.

Đáng lưu ý, tại các quận, huyện Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Gia Lâm… chính quyền địa phương không tổ chức được phiên đấu giá đất do quá trình thực hiện các dự án còn nhiều khó khăn, vướng mắc…

Dẫn chứng cụ thể về những khó khăn này, lãnh đạo Sở TN&MT cho hay, công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất để thực hiện dự án đấu giá còn chưa nhận được sự đồng thuận cao của người dân có đất bị thu hồi.

Việc đấu giá đất để làm dự án đầu tư phải thực hiện bổ sung thủ tục hành chính (chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án trên 2ha phải dành đất xây dựng nhà ở xã hội) theo quy định mới của Chính phủ.

Đặc biệt, công tác xác định giá khởi điểm còn chậm, gặp khó khăn về phương pháp xác định giá đất cụ thể. Hiện, trên địa bàn TP, các công ty tư vấn thẩm định giá “có tâm lý e ngại” hoặc từ chối tham gia xác định giá đất (khởi điểm) vì sợ rủi ro liên quan đến pháp luật.

Ngoài ra, việc ứng vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển TP đối với các dự án giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất còn vướng mắc theo Luật Đầu tư công…

Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng khiến huyện Mê Linh còn 6/14 dự án chưa hoàn thiện thủ tục, đơn cử như dự án: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật để đấu giá đất tại điểm X4 thôn Nam Cường (xã Tam Đồng); điểm X2, thôn Trung Hậu Đoài (xã Tiền Phong); điểm X4, thôn Phú Hữu (xã Thanh Lâm)…

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh Đinh Ngọc Thức, công tác quản lý hồ sơ đất đai tại một số xã thiếu đồng bộ nên việc xác minh nguồn gốc đất mất nhiều thời gian. Ngoài ra, một số người dân chưa đồng thuận với việc triển khai thực hiện dự án tại địa phương cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ đấu giá đất.

“Gỡ” nút thắt

Năm 2022, quận Hà Đông được giao chỉ tiêu thu từ đấu giá đất 491 tỷ đồng, nhưng đến hết quý II vẫn chưa tổ chức được phiên đấu giá nào. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông, những dự án trên 30 tỷ đồng theo quy định phải được UBND TP phê duyệt giá khởi điểm. Mặc dù quận đã trình cấp có thẩm quyền xem xét, nhưng đã quá thời hạn tới 3-4 tháng, vẫn chưa có kết quả thẩm định giá khởi điểm, do đó quận không thể tổ chức phiên đấu giá.

Để khắc phục khó khăn và đẩy nhanh tiến độ công tác đấu giá đất, lãnh đạo Sở TN&MT cho biết, UBND TP đã chủ động ban hành quyết định, trong đó tăng cường công khai niêm yết việc đấu giá tài sản, thông báo công khai việc đấu giá tài sản, hồ sơ, cách thức đăng ký tham gia đấu giá và khuyến khích tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo hình thức trực tuyến.

Đồng thời, TP cũng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung hoàn thiện các thủ tục về đấu giá đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh. 

Đáng quan tâm, TP sẽ tăng cường đôn đốc các quận, huyện, thị xã thu tiền trúng đấu giá vào ngân sách theo đúng tiến độ, phương án đấu giá được duyệt. Với trường hợp người trúng đấu giá nộp ngân sách không đúng thời hạn, sẽ hủy quyết định công nhận kết quả.

Quyết tâm của TP cũng được thể hiện rõ khi mới đây Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo rà soát các khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ; thúc đẩy tiến độ thực hiện quy trình, thủ tục hành chính ở các sở, ban, ngành, tạo điều kiện cho các quận, huyện, thị xã thực hiện đấu giá đất theo quy định; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai; nghiên cứu việc chuyển hình thức đấu giá sang đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn…

Để hoàn thành chỉ tiêu về đấu giá đất, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Chương Mỹ Đỗ Xuân Tình mong muốn, các sở, ngành chức năng và UBND TP tạo điều kiện hơn nữa trong công tác giao đất để huyện tổ chức thực hiện đấu giá đất ở...

Trước mong muốn của địa phương, Phó Giám đốc Sở TN&MT Mai Trọng Thái cho biết, ngành TN&MT TP sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện quy trình, thủ tục, hồ sơ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đồng thời, các quận, huyện, thị xã cần tập trung hoàn thiện thủ tục xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất đối với những dự án dưới 30 tỷ đồng, đã được UBND TP ủy quyền; thu tiền trúng đấu giá vào ngân sách đúng tiến độ, phương án đã được duyệt.

Hải Hà