Theo báo cáo của UBND tỉnh Tuyên Quang, tổng vốn đầu tư công năm 2022 đến ngày 31/7/2022 là trên 4 nghìn tỷ đồng.

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/7/2022 đạt trên 1.500 tỷ đồng, đạt 37,2% kế hoạch. Tiến độ thi công một số dự án chậm, giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, số vốn tạm ứng chưa thu hồi còn cao.

Nguyên nhân của sự chậm trễ là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa được giải quyết triệt để, một số dự án không có mặt bằng để tổ chức thi công, khó khăn trong tìm kiếm nguồn đất đắp, vị trí đổ thải.

Do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, tình hình giá nguyên liệu tăng cao dẫn đến nhà thầu chưa tập trung nhân lực, máy thi công để tổ chức thi công hoặc tổ chức thi công cầm chừng để chờ hướng dẫn điều chỉnh chính sách bù giá vật liệu xây dựng, do vậy, một số công trình không hoàn thành kịp tiến độ.

Một số chủ đầu tư chưa khẩn trương hoàn thành các hồ sơ thanh toán, nghiệm thu thanh toán khối lượng hoàn thành để thanh toán vốn đầu tư, chưa quyết liệt trong việc đôn đốc các nhà thầu tập trung nhân lực, máy thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có Văn bản số 253/UBND-ĐTXD ngày 24/1/2022 và Văn bản số 424/UBND-ĐTXD ngày 14/2/2022 chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, chủ đầu tư, chủ dự án, công trình xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện quyết liệt để đạt mục tiêu đề ra.

Theo đó, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và giải ngân vốn đầu tư năm 2022 do đơn vị mình thực hiện. Hàng tháng, UBND tỉnh tổ chức một cuộc họp để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện giải ngân, tiến độ thi công các dự án, công trình.

Ngoài các cam kết của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, UBND tỉnh Tuyên Quang cũng lưu ý các ban bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc các huyện, thành phố khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án; phối hợp với các chủ đầu tư giải phóng và bàn giao mặt bằng kịp thời, đúng tiến độ.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và sự nỗ lực của chủ đầu tư và các nhà thầu, các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang đẩy mạnh thi công, đảm bảo khối lượng, chất lượng để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công như mục tiêu đã đặt ra.

Năm 2022 được tỉnh Tuyên Quang xác định là năm có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh. Theo đó, đầu tư công sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng nguồn vốn đầu tư xã hội và là “cú huých” cho phục hồi kinh tế của tỉnh khi bình thường hóa cuộc sống sau đại dịch Covid-19.

Trong thời gian tới, các cấp, ngành, chủ đầu tư tiếp tục nỗ lực, cố gắng, có kế hoạch cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư của các công trình, dự án quản lý; phối hợp giải quyết dứt điểm các vướng mắc thuộc thẩm quyền, phấn đấu đến hết ngày 31/12/2022 giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.

Nam Dũng