Ngày 5/8, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Thường trực tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên về triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Dự án với nhiều cơ chế chính sách đặc biệt

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô là dự án quan trọng quốc gia và quá trình thực hiện cần triển khai nhiều thủ tục với nhiều cơ chế chính sách đặc biệt.

Để tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay sau khi có nghị quyết của Quốc hội, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức họp bàn, thành lập Ban Chỉ đạo của TP để triển khai xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội do Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban và phân công nhiệm vụ cụ thể để đạt tiến độ.

Báo cáo tình hình triển khai dự án, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho hay, chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 với quy mô 112,8km và sơ bộ tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng.

Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Quá trình triển khai dự án được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt gồm: Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công; giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án thành phần.

Trong 2 năm kể từ khi Nghị quyết này được Quốc hội thông qua, cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.

Dự án được chia thành 7 dự án thành phần, vận hành độc lập, bao gồm: 3 dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh theo hình thức đầu tư công; 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh theo hình thức đầu tư công và dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.

Đoạn trên địa bàn TP Hà Nội dài 58,2km đi qua 7 quận huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông). 

Khó nhất là khâu giải phóng mặt bằng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng cho biết, sau cuộc họp này, tỉnh sẽ kiện toàn ban chỉ đạo, ban hành kế hoạch có mốc thời gian thống nhất với các địa phương, thống nhất các đầu mối công việc để giao cho các sở, ngành.

Xác định giải phóng mặt bằng là công việc khó khăn nhất, quyết định đến sự thành công thực hiện đúng tiến độ của dự án, tỉnh Bắc Ninh sẽ triển khai công tác này thống nhất với cách làm của Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, áp lực về mốc thời gian thực hiện theo đúng kế hoạch là rất lớn, tuy nhiên tỉnh sẽ quyết tâm để thực hiện đúng tiến độ.

Cho rằng đây là công trình giao thông lớn có ý nghĩa quan trọng liên vùng, chưa có tiền lệ, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị với lãnh đạo TP Hà Nội cần có ban chỉ đạo chung của 3 tỉnh, thành, trong đó Bí thư Thành ủy Hà Nội là Trưởng ban Chỉ đạo và có sự tham dự của một số cơ quan Trung ương liên quan để giúp cho cơ chế điều phối, thống nhất theo ban chỉ đạo chung.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, tiến độ giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành 70% trong tháng 6/2023, phấn đấu hoàn thành xong công tác quan trọng này trong tháng 12/2023.

Nếu giải phóng mặt bằng xong, bàn giao đất “sạch”, dự kiến công trình sẽ được thực hiện trong 36 tháng.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 là dự án quan trọng quốc gia, quá trình thực hiện cần triển khai nhiều thủ tục với nhiều cơ chế chính sách đặc biệt.

Do đó, UBND TP đề nghị Kiểm toán Nhà nước đưa vào kế hoạch và thực hiện kiểm toán dự án đầu tư song song với tiến độ triển khai xây dựng công trình trong phạm vi cả 3 tỉnh.

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, 3 địa phương thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo vùng triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội và có một kế hoạch cụ thể với phương châm rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ để các cơ quan chủ quản xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu và phối hợp chặt chẽ với nhau để triển khai một cách đồng bộ, nhịp nhàng.

Ban Chỉ đạo tiến hành trao đổi hằng tháng, giao ban hằng quý và họp đột xuất khi cần.

Hưng Yên đề xuất dịch chuyển luồng tuyến đường Vành đai 4    

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho rằng, cần điều chỉnh lại mốc tiến độ sao cho phù hợp với thực tế hiện nay.

Đối với tỉnh Hưng Yên, tư vấn đưa ra phương án tuyến đi vào khu công nghiệp Phố Nối A, tuy nhiên phương án này sẽ gây thiệt hại rất nặng nề, dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch khu công nghiệp của tỉnh. Hưng Yên đề xuất dịch chuyển luồng tuyến theo hướng Tây, đi qua xã Đình Dù.

Theo ông Trần Quốc Văn, công tác giải phóng mặt bằng cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, tỉnh Hưng Yên đề xuất xem xét điều chỉnh lùi lại tiến độ.

Tỉnh Hưng Yên cũng đề nghị TP Hà Nội nghiên cứu cắm mốc giải phóng mặt bằng toàn tuyến, sau đó bàn giao cho các địa phương thực hiện tạo sự thuận lợi và đồng bộ trên cả tuyến.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng đề xuất, xây dựng nút giao kết nối đường Vành đai 4 với đường di sản của tỉnh nhằm tăng khả năng kết nối, phát triển các khu đô thị vệ tinh, hỗ trợ việc giãn dân số trong tương lai của cả Hưng Yên và Hà Nội.

Hải Hà