Vì đâu chậm trễ thu phí không dừng?

Đại biểu Quốc hội Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) nêu: Việc triển khai thu phí không dừng thực hiện từ năm 2015 và phải thực hiện thống nhất trên cả nước từ năm 2019, nhưng đến nay việc này chưa hoàn thành.

“Nguyên nhân chính của việc chậm trễ này là vì đâu? Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo từ 31/7 năm nay, nếu trạm thu phí nào không lắp đặt thì phải xả trạm, vậy có thực hiện được hay không?” đại biểu chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, thu phí không dừng là công nghệ mới, giúp đi lại thuận lợi, công khai, minh bạch nhiều yếu tố. Nhưng quá trình triển khai có nhiều vướng mắc do thói quen người dân, công nghệ có sơ suất về kỹ thuật...

Với số lượng hơn 113 trạm BOT theo nghị quyết của Thường vụ Quốc hội nêu năm 2019 phải xong, bộ “đã rất nỗ lực nhưng không thể nào đáp ứng kịp”.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Quốc hội Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận). Ảnh: Đ.X

Theo ông Thể, Thủ tướng đã chỉ đạo, đến 30/6, toàn bộ trạm BOT, trừ của Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC), phải hoàn thành lắp đầy đủ thu phí không dừng ở các làn, mỗi trạm trừ 2 làn ở hai bên để giải quyết tình huống phức tạp đột xuất, còn lại thu phí không dừng.

Với VEC thì đến cuối tháng 7 hoàn thành tiến độ. Đến nay, tiến độ cơ bản được đảm bảo. “Chính phủ rất cương quyết, nếu đến 30/6, các trạm BOT chưa hoàn thành thì dừng thu phí, khi làm xong mới thu phí lại”, Bộ trưởng Thể nói.

Nói tóm lại, ông Thể khẳng định, các dự án BOT khác chấp hành tốt. Đến nay cả nước dán được khoảng 3,2 triệu thẻ thu phí không dừng trên tổng số 4 triệu ôtô. Đầu tháng 6 vừa qua, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thu phí không dừng 100% và thực hiện rất tốt.

Bộ trưởng hứa “như đinh đóng cột” năm 2019 xong, nhưng…

Chưa hài lòng, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) giơ biển tranh luận. “Khi Bộ trưởng mới nhậm chức, tôi từng chất vấn câu hỏi về BOT. Bộ trưởng khi đó hứa với tôi chắc như đinh đóng cột rằng đến năm 2019 thì trạm thu phí không dừng sẽ được thực hiện trên toàn quốc”, ông Trí nhắc lại.

Theo nhận xét của đại biểu, thời gian qua việc này “làm nửa với, thiếu kiên quyết, chưa có hạn chót. Nhiều nơi làm nhưng chỉ được một hai luồng trên rất nhiều luồng qua trạm thu phí, nhiều khi đi qua tôi thấy rất kỳ lạ”.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) tranh luận sau trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về thu phí không dừng. Ảnh: Đ.X

Việc thu phí không dừng trên các tuyến đường BOT là minh bạch hoạt động thu tiền, tài chính. “Cử tri cho rằng ở đây có sự gian lận, lợi ích nhóm. Thật hay không, phải trả lời cho được câu hỏi này”, ông Trí nói và cho rằng, phải rút kinh nghiệm để triển khai các dự án BOT trên toàn quốc.

Tham gia tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) nói: Việc lắp đặt trạm thu phí không dừng còn nhiều vướng mắc. Nhiều dự án BOT không đạt được phương án tài chính theo yêu cầu.

“Hiện nay lại phát sinh thêm nội dung về thu phí không dừng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, bộ đã điều chỉnh phương án tài chính cho các doanh nghiệp chưa?” bà Hà nêu.

Bà Hà cũng nói, các dự án đầu tư của VEC triển khai khó khăn là do phương án tài chính. Các dự án đầu tư của VEC thời gian qua không có nội dung liên quan đến thu phí không dừng, nên chưa triển khai được.

“Bộ trưởng nói đến ngày 30/6 không hoàn thành việc thu phí không dừng sẽ xả trạm. Đề nghị Bộ trưởng cho biết căn cứ quy định pháp lý nào để thực hiện xả trạm, khi không điều chỉnh phương án tài chính cho các nhà đầu tư? Liên quan đến nguồn thu phí không dừng này thực tế là nguồn ngân sách Nhà nước hoàn trả cho các nhà đầu tư. Thực hiện xả trạm thế này, mất tiền ngân sách Nhà nước thì ai sẽ chịu trách nhiệm”, bà Hà tranh luận.

Chưa phát hiện có “lợi ích nhóm”

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói đến năm 2019, theo đề án Chính phủ giao, mỗi trạm BOT ít nhất 2 làn thu phí tự động. “Chúng ta dán thẻ không được nhiều nên đi trên các làn thu phí tự động rất khó khăn. Đến nay, chúng ta đã dán thẻ được 3,2 triệu ôtô. Đây là điều kiện chín muồi để sử dụng các làn tự động”, ông Thể nói.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thế nói, "chưa phát hiện lợi ích nhóm" trong thu phí không dừng. Ảnh: Đ.X 

Với 28 trạm của VEC, theo ông Thể, đến thời điểm này mới ký hợp đồng và các cơ quan cam kết với Chính phủ 31/7 là xong. Hiện nay đã nhập thiết bị xong, sẽ lắp đặt sớm, “Chính phủ căn cứ vào cam kết của VEC, nếu không xong phải trảm”, ông Thể giải thích và thông tin với các trạm còn lại đến nay “đã cơ bản xong rồi”, cuối tháng 6 sẽ có đủ các làn thu phí.

Tư lệnh ngành Giao thông khẳng định, dự án BOT liên quan đến người dân nên rất nhạy cảm. Các cơ quan chức năng, kể cả Bộ Công an cũng rất quan tâm đến vấn đề này.

“Hiện nay chúng tôi chưa phát hiện lợi ích nhóm giữa cơ quan Nhà nước cấu kết với nhà đầu tư. Còn nếu có vấn đề gì bên trong, cá nhân nào vi phạm đều sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tôi nghĩ rằng, chúng ta có bộ máy để kiểm tra, giám sát việc này”, ông Thể nhấn mạnh.

Thanh tra, công an, kiểm toán vào cuộc không ảnh hưởng đến nhà thầu

Đại biểu Dương Minh Ánh (TP Hà Nội) nêu: Có ý kiến cho rằng, việc mời các cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an tham gia ngay từ đầu giai đoạn triển khai dự án sẽ làm tăng thêm áp lực, khó khăn cho doanh nghiệp, làm chậm thêm tiến độ thi công của dự án. “Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?”, bà Ánh hỏi.

leftcenterrightdel
Đại biểu Dương Minh Ánh (TP Hà Nội). Ảnh: Đ.X 

“Chúng tôi khẳng định không ảnh hưởng gì tới nhà thầu”, Bộ trưởng Thể trả lời. Theo ông, khi triển khai cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, cơ quan công an, kiểm toán, các cơ quan vào cuộc sẽ giám sát từ khâu lập dự án, thiết kế, tổ chức đấu thầu, triển khai thực hiện của nhà thầu. Các cơ quan này chỉ làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, còn bộ có trách nhiệm làm việc với các nhà thầu.

“Việc tham gia của các bộ, ngành như thế này sẽ bảo đảm công khai, minh bạch, giúp cho Bộ Giao thông Vận tải, các nhà thầu, địa phương thực hiện chức năng, nhiệm vụ tốt hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho hay, nếu ảnh hưởng đến nhà thầu sẽ phối hợp với các bộ, ngành để xử lý triệt để. 

Tài sản bảo đảm các khoản vay dự án BOT chủ yếu là quyền thu phí

Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) hỏi: Các dự án giao thông hiện chủ yếu đề xuất chuyển sang đầu tư công, có phải do huy động nguồn vốn tín dụng ngân hàng khó khăn? Ngân hàng Nhà nước có biện pháp gì để tháo gỡ, thu hút vốn tín dụng cho dự án BOT giao thông?

leftcenterrightdel
 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. Ảnh: Đ.X

Trả lời, Thống đốc cho hay, vốn để xây dựng hạ tầng giao thông thường giá trị rất lớn, thời hạn vay rất dài và tài sản đảm bảo của các khoản vay chủ yếu là quyền thu phí.

Theo bà, thời gian vừa qua, các ngân hàng cho vay với dự án BOT có những khó khăn. “Nợ xấu trong các dự án này cao, vì nhiều dự án, phương án tài chính không được như phương án xây dựng ban đầu”, bà Hồng nói.

Tuy nhiên, bà Hồng cho hay, nếu các tổ chức tín dụng không đủ vốn hoặc khi cho vay các dự án này mà vượt các tỷ lệ đảm bảo an toàn thì có thể là đồng tài trợ với các tổ chức tín dụng khác, hoặc nếu vượt 15% và 25% theo quy định giới hạn tín dụng của Luật Các tổ chức tín dụng thì sẽ trình Thủ tướng quyết định.

“Để triển khai các dự án giao thông có rất nhiều khâu và rất nhiều tổ chức, cá nhân tham gia. Ví dụ, các doanh nghiệp tham gia triển khai thi công một số đoạn hoặc những khâu trong quá trình xây dựng, hệ thống ngân hàng vẫn cấp vốn tín dụng để triển khai các hoạt động”, Thống đốc Ngân hàng nói thêm. 

Hương Giang