Đó là thông tin do bà Phạm Thị Hồng Nga - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cung cấp.

Hiện, 5 đoàn công tác của Sở GD&ĐT Hà Nội đã bắt đầu tiến hành kiểm tra việc triển khai nhiệm vụ năm học 2014 - 2015 tại các trường học trên địa bàn thành phố. Nội dung chính của đợt kiểm tra lần này là việc thực hiện nhiệm vụ năm học và thu - chi đầu năm, trong đó tập trung vào việc thu học phí (về mức thu, thời gian thu), quản lý và sử dụng các khoản thu theo thỏa thuận, thu tự nguyện, cùng các khoản thu khác như tài trợ, hỗ trợ…

5 đoàn công tác đều do các Phó Giám đốc Sở làm Trưởng đoàn, dưới sự giám sát trực tiếp của Giám đốc Sở.

Là 1 trong 5 trưởng đoàn thanh tra, bà Nga thông tin: Kết quả thanh tra ban đầu cho thấy, năm học mới này, 3 vấn đề gây bức xúc cho phụ huynh thời gian qua đã được giải tỏa, đó là may đồng phục, thu tiền học của các câu lạc bộ và việc làm quen với tiếng anh trong các cơ sở mầm non.

Trong đó, vấn đề được đánh giá cao nhất là may đồng phục. Theo bà Nga, năm nay, ưu điểm nổi bật của Hà Nội là việc may đồng phục. Đây là vấn đề rất "nóng" trong những năm học trước, nhưng năm nay đã được chấn chỉnh nhờ quán triệt tốt ngay từ buổi họp báo công khai của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội diễn ra vào ngày 26/8 nên các trường đều thực hiện tốt. "Năm nay, các trường không bắt học sinh may 3 bộ đồng phục từ đầu năm học, thay vào đó là có thể sử dụng đồng phục cũ. Tuyệt đối không thay logo của nhà trường để "ép" học sinh phải may mới, đồng phục từ các năm trước vẫn mặc vẫn tiếp tục sử dụng. Phụ huynh có nhu cầu may đồng phục mới cho con em mình thì trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, công khai và không cần thiết phải nhiều bộ".

Việc thứ 2 được các đoàn kiểm tra đánh giá làm tương đối tốt là thu tiền học của các câu lạc bộ của các cấp học, trong đó có tiểu học và mầm non. Trước khi bắt đầu năm học mới, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các trường 1 lúc không tổ chức quá nhiều câu lạc bộ vì các cháu sẽ bị quá tải. Nếu phụ huynh tự nguyện cho con em tham gia các câu lạc bộ cũng chỉ được nhiều nhất là 2.

Ngoài ra, việc làm quen với tiếng Anh trong các cơ sở mầm non cả công lập và ngoài công lập cũng từng bước được chấn chỉnh bằng những văn bản cụ thể. Qua kiểm tra của 5 đoàn cho thấy, các cơ sở thực hiện tương đối tốt.

Bà Phạm Thị Hồng Nga - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội. Ảnh: TTH

2 việc cần chấn chỉnh

Tuy nhiên, bà Nga nhấn mạnh đến 2 việc cần phải chấn chỉnh ngay là việc thu quỹ hội cha mẹ học sinh và xã hội hóa.

Theo bà Nga, hiện nay những văn bản quy định về thu quỹ hội cha mẹ học sinh vẫn đang rất chung chung, nên có những trường đã tìm cách "lách" luật thu không đúng khoản quỹ này. Để hạn chế tối đa sai phạm này, Sở đã yêu cầu các địa phương, mà cụ thể các các quận, huyện phải có những buổi họp và quán triệt từng những văn bản cụ thể, chấn chỉnh từng cấp học chỉ được thu duy  nhất 1 loại quỹ hội cha mẹ học sinh, chứ không chia thành nhiều loại quỹ như quỹ trường, quỹ lớp...

"Số tiền thu quỹ để làm gì, các trường cũng phải có dự kiến chi tiết kế hoạch chi. Chi gì thì thu gần đó, nhưng thu phải theo đúng điều lệ cua hội cha mẹ học sinh. Ví dụ điều lệ ghi rõ không chi cho giáo viên bằng nguồn quỹ hội cha mẹ học sinh thì tuyệt đối không được chi, vì vậy không thể thu cao được, vì thu cao sẽ không thể chi vào đâu được", bà Nga nhấn mạnh.

Ngoài quỹ cha mẹ học sinh còn 1 khoản nữa phải chấn chỉnh là công tác xã hội hóa. Theo bà Nga, xã hội hóa rất quan trọng và là chủ trương đúng đắn trong bối cảnh nước ta hiện nay vì ngân sách Nhà nước chưa đủ, nhưng xã hội hóa cũng phải đúng quy trình và phải được báo cáo lên cấp trên biết trước. Sau đó là dự toán công khai, chi tiết định xã hội hóa về việc gì, nhưng cũng được không làm quá lớn để ảnh hưởng đến điều kiên sinh hoạt của phụ huynh học sinh. "Xã hội hóa phải hoàn toàn với tính chất là tự nguyện và tuyệt đối không được cào bằng. Những gia đình nghèo khó phải tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí cho con em họ đi học, chứ không phải vì không có tiền xã hội hóa mà con em họ phải băn khoăn khi đến trường, đến lớp. Tất cả học sinh đóng tiền xã hội hóa hay không đóng tiền đều phải được hưởng chế độ công bằng như nhau".

Được biết, 5 đoàn công tác của Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra đến hết ngày 25/9. Ngoài kiểm tra việc thu chi, trong nội dung kiểm tra về thực hiện nhiệm vụ năm học, đoàn kiểm tra cũng sẽ tiến hành kiểm tra việc thực hiện dạy thêm, học thêm. Đây cũng là vấn đề "nóng", được dư luận đặc biệt quan tâm.


TTH