Theo Thông báo kết luận số 14/TB-UBND về việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tồn tại kéo dài trong công tác cấp GCNQSDĐ cho các hộ tái định cư, trúng đấu giá QSDĐ đối với 9 MBQH trên địa bàn, TP Thanh Hóa đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị có liên quan, các đơn vị trúng đấu giá khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ để cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình có liên quan với tổng số 980 lô. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/6/2022 gắn với biện pháp xử lý nếu không thực hiện.

Trong những ngày qua, chủ đầu tư là các đơn vị trúng đấu giá QSDĐ ở các MBQH cũng đã rốt ráo thông báo cho những hộ dân đã mua đất bằng hợp đồng góp vốn đến họp và đưa ra phương án, giá cả xây dựng nhà thô do chủ đầu tư tự xây dựng. Thế nhưng, rất nhiều hộ dân đã không đồng tình với phương án này, vì với giá chủ đầu tư đưa ra so với thực tế thì có sự chênh lệch và khách hàng không yên tâm về chất lượng công trình. Nếu để người dân tự xây dựng theo thiết kế thì họ sẽ giám sát, theo dõi, mua đúng chủng loại nguyên vật liệu, giảm được công thợ, giá thành so với việc chủ đầu tư tổ chức thi công.  

Nhiều hộ dân mua đất bằng hợp đồng góp vốn ở các MBQH trên địa bàn TP Thanh Hóa nêu ra những băn khoăn, thắc mắc:

Thứ nhất, trước khi xây dựng nhà thô thì chủ đầu tư (đơn vị trúng đấu giá) cần “trưng” GCNQSDĐ mà Nhà nước đã cấp cho đơn vị trúng đấu giá, để người dân khi xây dựng nhà thô xong thì phải làm các thủ tục sang tên cấp GCNQSDĐ cho người mua, chứ nhiều đơn vị hiện đã cắm GCNQSDĐ để vay ngân hàng chưa lấy ra hoặc chưa hoàn thiện các hồ sơ pháp lý để được Nhà nước cấp GCNQSDĐ.

Thứ hai, lý do gì những dự án trúng đấu giá này đã kéo dài hơn 10 năm, nhưng chủ đầu tư không tổ chức cho người dân tự xây thô hoặc đơn vị trúng đấu giá phải xây thô, khiến người dân nhiều năm qua thấp thỏm, lo âu, chẳng biết những lô đất của minh bỏ tiền mua sẽ như thế nào. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về việc này?

Thứ ba, khi ký hợp đồng góp vốn với người mua đất, chủ đầu tư không nói rõ về tiến độ xây dựng, thực hiện dự án.

Ngoài ra, theo phản ánh thì các chủ đầu tư này đều đã có dấu hiệu mất niềm tin, đơn vị thì bị báo chí phản ánh về việc xây dựng đường giao thông kém chất lượng ở huyện miền núi Ngọc Lặc và đang bị công an điều tra (Công ty Cổ phần Luyện kim Thanh Hóa nay là Tổng Công ty Cổ phần Việt Thanh VNC); có đơn vị thì đang bị Cục Thuế Hà Nội cưỡng chế hóa đơn giá trị gia tăng nên không thể xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho các hộ làm cơ sở để hoàn chỉnh thủ tục cấp GCNQSDĐ (Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Hà); có đơn vị thì phó giám đốc bị bắt, khởi tố hình sự về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản vì đã gian dối, lừa thu tiền mua đất của người dân (Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Hà)... Vì thế người mua đất không đặt niềm tin vào các chủ đầu tư là có cơ sở.  

“Vì những lý do nói trên, chúng tôi kiến nghị với các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa cần nghiên cứu thấu đáo những nội dung kiến nghị, phản ánh người mua đất ở các MBQH trên địa bàn TP Thanh Hóa để chỉ đạo các chủ đầu tư tìm cách giải quyết thấu đáo, hợp tình, hợp lý cho người mua đất tự xây nhà thô theo thiết kế đã được phê duyệt là phương án phù hợp nhất. Có như thế mới ổn định được tình hình an ninh trật tự, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người mua đất”, một công dân mua đất ở MBQH 934 phường Đông Hải bày tỏ quan điểm.

Liên quan đến việc hàng trăm  lô đất đã bị UBND TP Thanh Hóa ra quyết định “giảm trừ” diện tích trúng đấu giá do chưa nộp tiền trúng đấu giá QSDĐ ở MBQH 934 phường Đông Hải; MBQH 2349 phường Quảng Hưng; MBQH 1279 phường Quảng Hưng; MBQH 1078 phường Đông Vệ; MBQH 2107 phường Đông Hải… theo quy định của pháp luật là phải được đưa ra đấu giá công khai lại, thế nhưng hiện UBND TP Thanh Hóa và Trung tâm Quỹ đất vẫn chưa thực hiện các trình tự, thủ tục, hợp đồng với các đơn vị cho đấu giá lại.

Tại các văn bản báo cáo về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trình lên UBND tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo TP Thanh Hóa cũng đã có các đề xuất cho một số đơn vị chủ đầu tư được nộp lại số tiền trúng đấu giá ở những lô đất đã có quyết định hủy kết quả trúng đấu giá này. Việc đề xuất là vậy, còn việc đồng ý hay không là do lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để đưa ra quyết định đồng ý hay không đồng ý.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra về vấn đề này, ông Lê Anh Xuân, Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa xác nhận: Lãnh đạo UBND TP Thanh Hóa có đề xuất với Thường vụ Thành ủy về phương án hủy một số quyết định giảm trừ các lô đất chưa nộp tiền ở các MBQH nói trên, để chủ đầu tư hợp thức hóa bằng cách nộp tiền vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc này chúng tôi đã bác bỏ và đề nghị UBND TP Thanh Hóa báo cáo lên cấp trên để xin ý kiến giải quyết.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Văn Thanh