Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khi công lý ngoảnh mặt với lời kêu cứu của người lao động?

Lê Phương

Thứ hai, 15/05/2023 - 09:41

(Thanh tra) - Những tưởng sẽ tìm được công lý khi TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao thụ lý vụ việc, nhưng gần đây, ông Vũ Khắc Căn, bà Lê Thị Mừng - những người bị Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco Thái Bình (Cty Apromaco Thái Bình) sa thải trái quy định của pháp luật lại bị “dội gáo nước lạnh” khi nhận được thông báo của TAND Tối cao.

Quang cảnh phiên tòa phúc thẩm vụ việc tranh chấp giữa Cty Apromaco với các thành viên. Ảnh: LP

Thông báo của TAND Tối cao nêu: Tòa án cấp phúc thẩm nhận định, đánh giá và quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Cty Apromaco Thái Bình, buộc ông bồi thường thiệt hại tổng số tiền hơn 5,8 tỷ đồng là có căn cứ, phù hợp với quy định tại Điều 585 (về nguyên tắc bồi thường thiệt hại) của Bộ luật Dân sự năm 2015. Do vậy, không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 08/2022/KDTM- PT ngày 9/5/2022.

Không đồng ý, ông Căn, bà Mừng đã làm đơn khiếu nại toàn bộ thông báo giải quyết đề nghị Giám đốc thẩm số 252/TB- TA của TAND Tối cao.

Trở lại với Bản án số 08 của TAND Cấp cao tại Hà Nội cho thấy, sau rất nhiều lần hoãn, ngày 9/5/2022, TAND Cấp cao tại Hà Nội cũng đưa vụ việc ra xét xử.

Tại phiên tòa, dù phía bị đơn là ông Vũ Khắc Căn và bà Lê Thị Mừng đưa ra nhiều viện dẫn thuyết phục cũng như tài liệu chứng minh nhưng không được tòa xem xét.

Kết thúc phiên tòa, tòa án cấp phúc thẩm tuyên buộc ông Căn, bà Mừng phải thực hiện nghĩa vụ bàn giao cho Cty Apromaco Thái Bình con dấu cùng toàn bộ công việc có liên quan chức danh giám đốc, kế toán; toàn bộ tài liệu pháp lý, hồ sơ, sổ sách, tài liệu kế toán; toàn bộ tài sản của Cty Apromaco Thái Bình; buộc ông Căn phải bồi thường thiệt hại cho Cty Apromaco Thái Bình số tiền hơn 5,8 tỷ đồng…

Ông Vũ Khắc Căn cho rằng về trình tự, thủ tục thực hiện cuộc họp hội đồng cổ đông bất thường ngày 13/6/2018 không có giá trị bởi trong cuộc họp có nhiều thành viên không thuộc thành phần tham gia họp không đúng quy định. Trước cuộc họp, ông không nhận được dự thảo điều lệ mới để thực hiện quyền và nghĩa vụ của cổ đông.

Ông Nguyễn Tiến Dũng chưa đăng ký thay đổi kinh doanh về người đại diện theo pháp luật lại ủy quyền cho người khác thực hiện việc thay đổi đăng ký kinh doanh lần 5 là vi phạm khoản 4 Điều 22 Điều lệ Công ty và vi phạm Điều 152 Luật Doanh nghiệp.

“Ngày 3/7/2018, ông Lê Anh Linh cùng một số người nữa vào trụ sở công ty tại 196 Lý Thường Kiệt, TP Thái Bình công bố quyết định ban lãnh đạo mới và trao quyết định giám đốc cho ông Hà Tuấn Linh, công bố miễn nhiệm chức danh giám đốc đối với tôi, đuổi toàn bộ cán bộ, nhân viên ra khỏi công ty. Đồng thời tổ chức đập phá toàn bộ hệ thống camera, phá khóa các phòng làm việc, niêm phong phòng làm việc của kế toán hành chính, phòng lưu trữ hồ sơ tài liệu kế toán; lục soát phòng làm việc của giám đốc và chiếm toàn bộ trụ sở công ty. Vụ việc được trình báo tới cơ quan công an. Thử hỏi, toàn bộ tài sản công ty đã và đang bị công ty chiếm dụng, người lao động bị đuổi ra ngoài và bị sa thải một cách tức tưởi thì lấy gì bàn giao mà Cty Apromaco Thái Bình đòi hỏi”, ông Căn bức xúc.

Cũng theo ông Căn, việc Cty Apromaco Thái Bình tự ý niêm phong các phòng làm việc và phòng lưu trữ hồ sơ trái quy định từ ngày 3/7/2018 được khẳng định tại Văn bản số 02 ngày 10/1/2019; Văn bản số 36 ngày 28/8/2019 của công ty gửi tòa án cấp sơ thẩm; văn bản thẩm định tại chỗ ngày 12/12/2019 của tòa án cấp sơ thẩm; Văn bản số 526 ngày 3/10/2019 của Công an TP Thái Bình.

Trong đơn kêu cứu gửi các cấp, ông Căn cho biết, các phiên xử từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm và giờ là tối cao đều bỏ qua các chứng cứ phía bị đơn là ông và bà Mừng cung cấp như báo cáo tài chính hạch toán kinh doanh quý I/2018 do ông Vũ Khắc Căn, Giám đốc và bà Lê Thị Mừng, kế toán ký; các hóa đơn do các thủ kho đã nộp vào tài khoản của công ty qua ngân hàng với tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng và hàng hóa tồn đọng tại các kho đến thời điểm này được đưa ra đều không được các cấp tòa xem xét mà chỉ sử dụng số liệu báo cáo tài chính quý I của công ty để tuyên buộc ông phải bồi thường hơn 5,8 tỷ đồng là không có căn cứ.

Bà Lê Thị Mừng, nguyên Phó trưởng Phòng Kế toán cho biết, tháng 7/2018, khi ông Hà Tuấn Linh về đã chỉ đạo niêm phong các phòng làm việc ở trụ sở 196 Lý Thường Kiệt. Người lao động đến làm việc cũng bị đuổi ra rồi sau này tự ý sa thải trái pháp luật. Sau khi sa thải bà cùng 6 lao động khác không đúng quy định của pháp luật, Cty Apromaco Thái Bình đã tuyển dụng thêm nhiều lao động mới được thể hiện tại bảng thanh toán lương và bảo hiểm xã hội từ tháng 7/2018 đến nay của công ty do Kế toán trưởng Định Trọng Hòa Bình và ông Hà Tuấn Linh, Giám đốc ký đóng dấu.

Chưa kể, thu nhập của những lao động mới này được Cty Apromaco trả cao hơn nhiều so với những thu nhập của những lao động bị sa thải trước đó. Ví như ông Vũ Khắc Căn, thời điểm là Giám đốc tháng 5/2018 có số ngày công là 26, nhưng thu nhập thực lĩnh là hơn 9,2 triệu đồng, còn ông Hà Tuấn Linh, thời điểm tháng 8/2018 là Giám đốc Cty có số ngày công là 23, nhưng thu nhập thực lĩnh hơn 13 triệu đồng… Điều này cho thấy Cty Apromaco Thái Bình vẫn hoạt động kinh doanh từ tháng 7/2018 đến nay. Cớ gì TAND các cấp buộc ông Vũ Khắc Căn phải bồi thường hơn 3,4 tỷ đồng do chi phí duy trì hoạt động của Cty và hơn 2,1 tỷ động lợi nhuận từ quý II/2018 đến quý II/2020.

Trụ sở Cty Apromaco Thái Bình tại 196 Lý Thường Kiệt, TP Thái Bình. Ảnh: LP

Việc TAND các cấp yêu cầu ông Căn phải thanh toán số tiền lãi chậm trả hơn 297,6 triệu đồng là không có căn cứ, theo bà Mừng, đây là số tiền theo hợp đồng giữa Cty CP Vật tư Nông sản với Cty Apromaco Thái Bình, không phải do cá nhân ông Căn gây ra mà buộc ông Căn phải bồi thường.

“Hợp đồng thuê tài sản số 02/HTTS, ngày 1/5/2013 giữa Cty CP Vật tư Nông sản với Cty Apromaco có thời hạn từ 1/5/2016 đến ngày 31/12/2018, thế nhưng đến ngày 30/5/2018 khi chưa hết hạn hợp đồng, Cty CP Vật tư Nông sản đã ký hợp đồng với Cty Hải Đăng 27 - 7 cho thuê 3 cửa hàng trong khuôn viên trụ sở tại đường Lý Thường Kiệt, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình”, bà Mừng cho biết.

Chưa hết, theo Bản án số 08 của TAND Cấp cao tại Hà Nội, ngày 9/8/2022, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định 404/QĐ- CTHADS yêu cầu thi hành án.

Cục THADS tỉnh Thái Bình có giấy mời gửi Tổ trưởng Tổ Dân phố số 7 phường Kỳ Bá và ông Vũ Khắc Căn có mặt tại trụ sở Cty Apromaco để tham gia việc xác minh hiện trạng Phòng Giám đốc và Phòng Hành chính.

Tuy nhiên, ngày 7/9/2022 tại trụ sở Cty Apromaco Thái Bình, đoàn của Cục THADS tỉnh Thái Bình do ông Nguyễn Văn Toán và hai người nữa lại tiến hành xác minh hiện trạng Phòng Hành chính và Phòng Kế toán.

Lý giải cho việc “thông báo một đường, thực hiện một nẻo”, chấp hành viên cho biết là do nhầm lẫn trong việc ghi nội dung tại giấy mời.

Tiếp đó, ngày 22/9/2022, Cục THADS tỉnh Thái Bình mời ông Vũ Khắc Căn đến tại trụ sở UBND xã Vũ Chính, TP Thái Bình để giải quyết việc thi hành Bản án số 08; kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án theo quy định của pháp luật. “Tuy nhiên, do tình hình sức khỏe, tôi đang phải điều trị tại bệnh viện nên bà Chu Thị Diệp (vợ tôi) đã đến trụ sở UBND xã Vũ Chính báo cáo không có mặt trong buổi làm việc này. Sau khi nghe bà Diệp trình bày, chấp hành viên tên Toán đã yêu cầu bà Diệp ký biên bản làm việc trong khi bà không phải là người có liên quan cũng không phải là người được ủy quyền của tôi. Hơn nữa, đã làm việc gì đâu, cớ gì chấp hành viên lại yêu cầu bà Diệp kí vào biên bản làm việc”, ông Căn bức xúc.

Cũng theo Căn, cùng ngày hôm đó, bà Diệp được những người hàng xóm cho biết thông tin và cung cấp 1 video được cắt ra từ camera giám sát gia đình cho thấy vào khoảng 10 giờ 4 phút, có gần 10 người tự giới thiệu là người của Cục THADS tỉnh Thái Bình đến ngồi nhờ để quay phim, chụp ảnh khu nhà đất của gia đình bà Diệp.

“Không biết là vô tình hay cố ý mà Cục THADS tỉnh Thái Bình không chỉ nhầm lẫn trong việc ra thông báo mà còn nhầm lẫn cả khi tiến hành xác minh phòng làm việc của giám đốc và còn rất nhiều vấn đề khác khiến người lao động ngày càng mất đi niềm tin vào công lý…”, ông Căn bức xúc.

Với rất nhiều viện dẫn và chứng cứ được ông Căn, bà Mừng đưa ra tại các phiên tòa cũng như có trong hồ sơ tài liệu gửi các cơ quan chức năng, nhưng cán cân công lý vẫn không thuộc về người lao động yếu thế. Giờ đây, dù tiếp tục bị “dội gáo nước lạnh”, nhưng các ông bà vẫn tiếp tục chặng đường đi tìm công lý cũng như gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo nhiều dấu hiệu gian lận về tài chính, thuế tại Cty Apromaco Thái Bình.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024
Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.

Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh

08:00 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm