Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chu Tuấn
Thứ tư, 08/11/2023 - 07:00
(Thanh tra) - Ngày 23/7/1998, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thu hồi và giao 13,5ha đất cho Ban Quản lý dự án thuộc Sở Xây dựng tỉnh Long An để xây dựng Công viên thị xã Tân An. Sau khi xây dựng xong, đơn vị này phải bàn giao toàn bộ diện tích trên cho UBND tỉnh để giao cho các ngành chức năng quản lý, khai thác và sử dụng. Thực tế, nhiều hecta đất đã được giao cho doanh nghiệp khai thác và sử dụng…
Cần rà soát, kiểm tra việc các doanh nghiệp sử dụng đất trong Công viên TP Tân An. Ảnh: A.X
Hàng loạt công trình mọc lên trong đất công viên
Theo ghi nhận của PV Báo Thanh tra vào trung tuần tháng 10/2023, trong Công viên TP Tân An (nằm tại phường 3, TP Tân An, tỉnh Long An) tồn tại nhiều công trình xây dựng phục vụ kinh doanh vui chơi, giải trí, thể dục thể thao, giải khát, cafe.
Một số công trình, hạng mục có thể kể tên như: Cafe Công viên Bờ Hồ; Cafe Mỹ Đình; Cafe Mỹ Đình Chính; căn tin hồ bơi Brax; Cafe Bốn Phương; shop bán đồ thể thao; Cụm công trình sân thể thao Mickey; Công viên Biển Đông; Hồ bơi Nam Cường (trong khuôn viên có kinh doanh dịch vụ nước giải khát, cafe); công trình 1 trệt, 2 lầu với tên gọi Green Park, gồm nhiều loại hình kinh doanh như Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Green Palace, Sân khấu lô tô Tư Hậu; Phòng tập Xgym; công trình phục vụ thể thao trong nhà…
Thậm chí, PV còn ghi nhận một công trình rộng hàng trăm mét vuông xây dựng dang dở, ngổn ngang, bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng. Bên trong công trình này không ai quản lý, người dân thiếu ý thức xả rác khắp nơi, rất ô nhiễm…
Đáng chú ý, có tình trạng người dân có thể sử dụng xe gắn máy, ô tô tự do di chuyển trong công viên, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người dân tham quan, giải trí, thể dục thể thao…
Quan sát ảnh chụp từ trên cao có thể nhận thấy các công trình xây dựng trong Công viên TP Tân An đã chiếm rất nhiều diện tích của công viên. Đáng lý ra nếu phần diện tích này được bố trí thành các mảng cây xanh phục vụ mục đích công cộng cho người dân thì sẽ tốt hơn rất nhiều.
Ông P.T.L (ngụ tại phường 1, TP Tân An, tỉnh Long An) cho biết, nhiều công trình tồn tại trong Công viên TP Tân An hiện bị sử dụng sai mục đích. Bức xúc chính của người dân là công viên thì phải là công viên dùng vào mục đích vui chơi, giải trí… Việc kinh doanh, buôn bán trong công viên ảnh hưởng tới việc vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng của người dân; người dân cảm thấy không thoải mái…
“Cán bộ hưu trí, người dân phản ánh rất nhiều lần về việc này tới chính quyền, nhưng đến nay mọi việc vẫn thế. Là một người dân sống tại TP Tân An, tôi mong muốn công viên phải ra công viên phục vụ vui chơi, giải trí; không có việc buôn bán, hàng rong… làm mất thẩm mỹ của công viên”, ông Lộc bức xúc cho biết.
Các doanh nghiệp sử dụng đất công viên đến khi nào?
Theo hồ sơ thu thập, ngày 23/7/1998, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 641/QĐ-TTg, nêu rõ: Thu hồi 13,5ha đất tại phường 1 và phường 3, thị xã Tân An (nay là TP Tân An) và giao cho Ban Quản lý dự án thuộc Sở Xây dựng sử dụng toàn bộ diện tích đất thu hồi để xây dựng công trình công viên.
“Sau khi xây dựng xong công trình, Ban Quản lý dự án phải bàn giao toàn bộ diện tích đất trên cho UBND tỉnh Long An để UBND tỉnh giao cho các ngành chức năng quản lý, khai thác và sử dụng”, quyết định của Thủ tướng nêu rõ.
Trong bản thuyết minh điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 khu công viên văn hóa TP Tân An, được Trung tâm Quy hoạch xây dựng thuộc Sở Xây dựng lập ngày 16/3/2012, cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 641/QĐ-TTg, ngày 1/4/1999 UBND tỉnh Long An đã ban hành Quyết định số 883/QĐ-UB về phê duyệt quy hoạch chi tiết tổng mặt bằng công viên thị xã Tân An với quy mô 13,85ha.
Ngày 21/7/2006, UBND tỉnh có công văn điều chỉnh dự án, điều chỉnh quy hoạch, không thực hiện khu “lịch sử khai phá” và chuyển thành khu thể dục thể thao liên hợp. Trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh có phê duyệt chủ trương điều chỉnh quy mô một số hạng mục như công viên nước không xây cao tầng, căng tin khu liên hợp thể dục thể thao còn 1 trệt cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Ngoài những hạng mục hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, từ năm 2006, UBND tỉnh có chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng theo dạng BOT một số hạng mục công trình như nhà hàng, khu vui chơi thiếu nhi… theo Nghị định số 77/1997/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, phương thức này không còn phù hợp khi Chính phủ ra Nghị định số 78/2007/NĐ-CP thay thế (danh mục kêu gọi đầu tư trong công viên không thuộc lĩnh vực đầu tư BOT).
“Ngày 11/1/2008, UBND tỉnh có văn bản cho chủ trương thay đổi phương thức đầu tư: Đối với hạng mục Trung tâm Thương mại Hùng Vương chuyển sang hình thức cho thuê đất… Những hạng mục kêu gọi đầu tư khác đã được phê duyệt chủ trương trước đó, doanh nghiệp phải lập báo cáo đầu tư cụ thể thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh phê duyệt cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành…”, bản thuyết minh cho biết.
Cũng theo bản thuyết minh này, hiện trong công viên có 9 cơ sở đang hoạt động kinh doanh. Theo cơ cấu hiện trạng sử dụng đất thì diện tích sử dụng công cộng (không kinh doanh) có diện tích 6,68ha, diện tích sử dụng kinh doanh có điều kiện (phần giao cho các doanh nghiệp) là 7,14ha (chiếm hơn 51,6% diện tích công viên)…
Với tình hình sử dụng đất công viên của các doanh nghiệp hiện nay, cùng với những ghi nhận của PV Báo Thanh tra về việc xuất hiện hàng loạt các mô hình kinh doanh trong Công viên TP Tân An, câu hỏi đặt ra là hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay có phù hợp với giấy chứng nhận đầu tư đã cấp? Việc thực hiện những nội dung đã ký kết trong hợp đồng BOT, BT giữa doanh nghiệp với chính quyền đã đúng chưa? Doanh nghiệp được sử dụng đất đến khi nào mới bàn giao lại cho chính quyền? Có không việc sử dụng công trình xây dựng trong công viên làm nhà ở?
Bên cạnh đó, người dân cũng mong muốn chính quyền sớm có giải pháp để tăng diện tích vui chơi công cộng, thêm nhiều cây xanh tạo bóng mát, giảm tối đa diện tích giao cho doanh nghiệp kinh doanh. Không để xảy ra tình trạng phương tiện giao thông đi vào công viên; cải thiện tình trạng ô nhiễm, rác thải…
Ngoài những nội dung cần làm rõ nêu trên, ngày 23/10/2023, PV Báo Thanh tra đã liên hệ làm việc với UBND tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Tân An và để lại nhiều nội dung cần làm rõ.
Ngày 26/10/2023, UBND tỉnh Long An đã có Văn bản số 9958/UBND-VHXH về việc rà soát, giải quyết và cung cấp thông tin đối với các nội dung Báo Thanh tra quan tâm liên quan tới việc đầu tư, quản lý sử dụng công viên TP Tân An.
Theo đó, UBND tỉnh giao UBND TP Tân An rà soát, giải quyết theo thẩm quyền và cung cấp thông tin đối với các nội dung, đề nghị của PV Báo Thanh tra; chậm nhất ngày 15/11/2023 báo cáo kết quả về UBND tỉnh.
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Tags
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.
Thành Nam
18:43 20/11/2024(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.
Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh
08:00 20/11/2024Nam Dũng
07:30 20/11/2024Công Thắng - Bạch Vân
07:30 20/11/2024Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh
10:09 19/11/2024Nam Dũng
10:11 16/11/2024Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương
Nam Dũng
Hoàng Nam
Lâm Ánh
Phương Hiếu
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Trần Kiên
PV