Trong công tác quản lý hoạt động tôn giáo cũng vậy, nhiều khi người tín đồ không hiểu về luật, cũng có nhiều trường hợp lách luật, hoặc cố tình đẩy cơ quan quản lý vào tình thế đã rồi, khiến pháp luật khó xử lý, vì tôn giáo dễ động chạm tới niềm tin, nên nhạy cảm. 

Bởi vậy để nâng cao nhận thức và chấp hành pháp luật về lĩnh vực tôn giáo, trong công tác tôn giáo cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này để đối tượng thi hành thực hiện.

Để hoạt động tôn giáo ổn định, đáp ứng nhu cầu tôn giáo của nhân dân, giúp cho tín đồ, chức sắc các tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, gắn bó đồng hành cùng dân tộc thì cần phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đối chức sắc và tín đồ, nhất là những người đứng đầu các tổ chức tôn giáo ở cấp cơ sở.

Để làm việc này hiệu quả, thiết nghĩ cần chú ý một số khía cạnh sau:

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng: Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Để đạt hiệu quả, các cấp cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, thực hiện tốt việc triển khai thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến luật phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế.

Điểm lưu ý trong việc quán triệt tinh thần Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cần tích cực, chủ động rà soát các văn bản đã ban hành liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo nhằm phát hiện những bất cập, để kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ văn bản có nội dung không còn phù hơp. Trong công tác này chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt trong kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh; làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền, phổ biến luật. Các hình thức, như: Phiếu điều tra, khảo sát, trắc nghiệm nhận thức luật của người dân; thống kê, tổng hợp, phân tích tỷ lệ tăng, giảm của các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo ở từng địa phương nên được sử dụng rộng rãi, sẽ góp phần đánh giá được nhận thức của người dân đối với luật; hình thức đem lại hiệu quả cao nhất.

2. Chú trọng đội ngũ giảng viên có chuyên môn, trình độ và kinh nghiệm thực tiễn: Để nâng cao nhận thức về pháp luật trong lĩnh vực tôn giáo cho chức sắc và tín đồ, việc truyền đạt là rất quan trọng. Việc này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của đội ngũ giảng viên và báo cáo viên. Bởi vậy, cần tăng cường xây dựng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên có trình độ chuyên sâu với các yêu cầu:

Trước tiên, đội ngũ báo cáo viên phải có trình độ chuyên môn phù hợp, hiểu biết về tín ngưỡng, tôn giáo; có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn quản lý; có uy tín và năng lực sư phạm; nắm vững tình hình tôn giáo, những vấn đề cần quan tâm và biện pháp quản lý Nhà nước đối với công tác tôn giáo cơ sở; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và các vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo.

Đội ngũ giảng viên, báo cáo viên phải thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực, trình độ và phương pháp sư phạm cũng như các thông tin mới về luật pháp, chủ trương của Đảng và Nhà nước về vấn đề tôn giáo.

Cần xây dựng chương trình bồi dưỡng, quy chế quy định trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tham gia giảng dạy, trang bị kỹ năng, phương pháp và trao đổi kinh nghiệm quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ phù hợp.

3. Linh hoạt, phù hợp với việc nâng cao ý thức pháo luật cho từng đối tượng một cách phù hợp: Trên thực tế, với mỗi tôn giáo có đặc thù riêng về giáo lý, giáo luật, đặc điểm lịch sử hình thành và phát triển khác nhau. Bởi vậy, trong tuyên truyền để phổ biến và nâng cao nhận thức của tín đồ và chức sắc các tôn giáo về pháp luật liên quan cần lựa chọn nội dung, đối mới phương pháp, hình thức tuyên truyền cho “trúng” và “đúng” với từng địa bàn, đối tượng. Các kỹ năng chuyển tải thông tin pháp luật tôn giáo tới người nghe phải đổi mới hướng tới hình thành ý thức pháp luật, thúc đấy các đối tượng quản lý học tập, nghiên cứu nhằm giúp mọi người hiểu rõ, thực hiện đúng, xây dựng thói quen tự giác tìm hiểu, học tập và chấp hành luật.

Về nội dung, tập trung tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; công tác xuất bản, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo của tổ chức tôn giáo; quản lý Nhà nước và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo... theo Nghị định 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, làm rõ những điểm mới của luật; ý nghĩa, tầm quan trọng của luật đối với việc bảo đảm thực thi quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên thực tế; những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo ở từng địa phương, từng cấp, tùng ngành.

Về phương pháp, phải đa dạng, phong phú; kết hợp chặt chẽ giữa tiến hành thường xuyên với tuyên truyền theo chuyên đề, sự kiện, phù hợp với từng thời điểm và đối tượng; chú trọng tăng tính tương tác, tính thuyết phục, tránh lối tuyên truyền áp đặt, một chiều.

Về hình thức, cần chú trọng các hình thức tuyên truyền thông qua lồng ghép các tiết mục sân khấu hóa, thi tìm hiểu luật; gắn tuyên truyền, phổ biến luật với các hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí, trợ giúp pháp lý lưu động, trao đổi, giải thích pháp luật, giải quyết tình huống, vụ việc liên quan đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo tại các địa bàn, khu dân cư. Biên soạn và cấp phát các loại sách, tài liệu hỏi, đáp, tờ gấp giới thiệu luật, bghị định hướng dẫn thi hành luật và các văn bản khác có liên quan cho mỗi nhóm đối tượng.

Nhìn chung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật tôn giáo phải được tiến hành phải đa dạng, phong phú, linh hoạt thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc mít tinh, hội họp và hoạt động phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Qua đó, động viên, hướng dẫn, giúp đỡ họ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện bình đẳng trước pháp luật, vừa tự do tham gia các hoạt động theo lễ nghi tôn giáo, vừa chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện: Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

4. Phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, lực lượng trong tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện: Trong việc này cần chú trong phối hợp hoạt động giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội với các ngành chức năng ở địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa để huy động sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong việc tuyên truyền, phổ biến luật. Có thể tính đến việc thuê, phối hợp với những tổ chức, doanh nghiệp luật tư nhân có thể đáp ứng tốt trong công việc nâng cao nhận thức pháp luật về tôn giáo cho chức sắc và tín đồ các tôn giáo.

Bên cạnh đó các cấp, các ngành, đoàn thể trên địa bàn cần chủ động phối hợp tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết có hiệu quả các vụ việc, vấn đề phát sinh liên quan đến tôn giáo, nhất là phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương

Việc phối hợp để phổ biến pháp luật về tôn giáo đặc biệt chú ý tới những lực lượng ở cơ sở địa bàn nơi các tôn giáo hoạt động để có hiệu quả tốt vì những cán bộ cơ sở là người có uy tín, kinh nghiệm trong vận động đồng bào tôn giáo. Chẳng hạn cần chú trọng tới lực lượng biên phòng,  quân đội. Thực tiễn nhiều nơi đã chứng minh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của cán bộ, chiến sĩ nhằm giúp đồng bào các tôn giáo vùng sâu, vùng xa nhận thức đúng và chấp hành nghiêm những quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng. Họ hiểu rõ việc theo đạo, truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan hoặc truyền đạo trái phép. Vai trò của nhiều cán bộ cốt cán cơ sở trong công tác phổ biến pháp luật cho người có đạo đã làm cho đồng bào các tôn giáo thực sự tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng và tham gia đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

5. Quan tâm hơn nữa đến đầu tư kinh phí thỏa đáng đến công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về tôn giáo: Mọi hoạt động xã hội nói chung chỉ thực sự đi vào chiều sâu, đạt chất lượng hiệu quả cao khi nhận được sự quan tâm và đầu tư kinh phí thỏa đáng từ phía nhà nước nói chung, các cấp, các ngành nói riêng. Hoạt động tuyên truyền pháp luật về tôn giáo không nằm ngoài tính quy luật nói trên. Trong những năm qua, Nhà nước đã có sự quan tâm đến vấn đề này, nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm và chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của hoạt động này.

Vì vậy, Nhà nước, các cấp, các ngành quản lý hành chính cần quan tâm hơn nữa, dành sự đầu tư thỏa đáng vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các cơ sở tôn giáo. Ban Tôn giáo các cấp chịu trách nhiệm tham mưu cho chính quyền các cấp chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tốt hơn nữa. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu tham mưu cho Đảng và Nhà nước cần xây dựng cơ chế bố trí ngân sách dành riêng cho công tác này; tăng cường việc huy động kinh phí từ các dự án, đề án, chương trình mục tiêu và các nguồn kinh phí khác.

TS Ngô Đồng