Theo đó, Giáo hội yêu cầu: Trong khâu tổ chức mua sắm lễ, tránh tổ chức thu tiền mua lễ mang hình thức dịch vụ tâm linh và các nghi lễ không phù hợp với chính pháp và nghi lễ truyền thống; không đốt nhiều vàng mã; nên thực hiện các việc làm từ thiện thiết thực cứu giúp người nghèo khổ để chuyển hóa thành nghiệp thiện lành báo hiếu tổ tiên và cha mẹ; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19.

Đại lễ Vu lan được tổ chức từ ngày Mùng 1, ngày Rằm và các ngày trong tháng Bảy Âm lịch, chính lễ vào Rằm tháng Bảy (12/8/2022). Nội dung gồm: tụng kinh Vu lan, kinh báo hiếu phụ mẫu, kinh Mục Liên sám pháp, kinh A Di Đà… cầu siêu tiến anh linh anh hùng liệt sĩ, cửu huyền thất tổ; thuyết giảng ý nghĩa Vu lan báo hiếu; nghi thức Bông hồng cài áo tri ân công đức sinh thành của cha mẹ; nghi thức thắp nến tri ân và truyền hoa đăng tưởng niệm anh linh anh hùng liệt sĩ và cửu huyền thất tổ; chương trình nghệ thuật Công cha nghĩa mẹ (nếu có).

“Với truyền thống văn hóa hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc và tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, ngày lễ Vu lan của Đạo Phật đã hòa quyện với triết lý, tục thờ cúng ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch hình thành lễ hội Vu lan báo hiếu.

Mùa Vu lan báo hiếu đã trở thành nét văn hóa truyền thống hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Đây là thời gian để mỗi người thực hành và khắc sâu hạnh nguyện báo hiếu, hiếu hạnh với cha mẹ, ông bà và những người thân yêu, đồng thời cũng là thời gian tưởng nhớ, tri ân các anh hùng dân tộc, anh linh anh hùng liệt sĩ, tổ tiên, cửu huyền thất tổ của các gia đình trong toàn xã hội”, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN nêu trong Thông bạch được gửi đến các ban trị sự Phật giáo các tỉnh, thành nhân Đại lễ Vu Lan.

Trà Vân