Tuy nhiên, dưới sự trợ giúp của các ngân hàng cho hoạt động đầu tư của các DN, chắc chắn hoạt động công nghiệp phụ trợ sẽ khởi sắc, sớm cung cấp được các phụ kiên, phụ liệu cho ngành công nghiệp cơ khí, điện tử, dệt may…

 Yếu kém thực sự

Các DN Việt Nam về lĩnh vực sản xuất ô tô cứ ngỡ sau 10 năm tỷ lệ nội địa hóa sẽ đạt từ 30 - 40% theo lộ trình, nhưng thực tế hiện tại ngành công nghiệp này chủ yếu là lắp ráp các cấu thành nhập khẩu.

Các DN điện tử FDI ở Việt Nam đông về số lượng nhà máy, công nhân, nhưng phần đa hoạt động chủ yếu vẫn là lắp ráp linh kiện, phụ kiện nhập khẩu. Tỷ lệ nội địa hóa nhóm ngành công nghệ cao này chỉ khiêm tốn ở mức 15 - 20% giá thành sản phẩm. 

DN Việt Nam chủ yếu cung cấp các sản phẩm bao bì, nhãn mác cho thương hiệu Samsung, LG.... Còn khi họ nêu các tiêu chí đấu thầu về một con ốc vít, một cái sạc điện thoại, thì DN không đáp ứng được. Có ý kiến cho rằng: DN ta đảm bảo sản xuất được cái ốc vít chất lượng cao như hồ sơ mời thầu, nhưng chi phí giá thành chắc chắn cao hơn hàng cùng loại nhập khẩu.

Nguyên nhân do Việt Nam chưa có sự đầu tư bài bản về công nghiệp hỗ trợ, chưa có thời gian dài sản xuất mặt hàng này nên chưa có lãi để khấu trừ chi phí đầu tư, một yếu tố quan trọng kéo giá thành xuống. Câu chuyện cái ốc vít, sạc điện thoại mà DN không đáp ứng được là hồi chuông báo động về thực trạng ngành cơ khí điện tử của Việt Nam.

Ngân hàng làm bà đỡ cho DN

Làm thế nào để hỗ trợ cho các DN phát triển ngành công nghiệp phụ trợ?

Theo ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ có đề án xây dựng Cục liên kết các sản phẩm chủ lực của Việt Nam trên quy mô lớn nhằm nâng cao vị trí cạnh tranh, tiếp đó là kết nối và hỗ trợ DN về tài chính. Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa sẽ hỗ trợ các DN thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại. 

Hiện, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cam kết cho DN vay 70% giá trị dự án, hỗ trợ lãi suất 10,5% trong 12 năm vay để đầu tư hạ tầng. Đại diện Ngân hàng Tiên phong (TPBank) cho biết, sẽ dành số tiền khoảng 1.000 tỷ đồng cho các DN công nghiệp hỗ trợ vay theo hình thức tín chấp bằng các loại tài sản đảm bảo.

Ngoài VDB và TPBank, một số ngân hàng thương mại khác cũng đang hướng tới đối tượng DN này để cho vay. Đó cũng là một cách mở rộng đối tác cho vay với những khoản vay lớn mà tính rủi ro lại rất thấp. 

Tính đến thời điểm này, Hiệp định Đối tác song phương VJEPA (Việt Nam - Nhật Bản) đã bước sang giai đoạn thứ 4 - Giai đoạn cụ thể hóa việc Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Hiện, Hà Nội đã có Khu công nghiệp Hỗ trợ phía Nam Hà Nội (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên) với diện tích ban đầu trên 640ha, công tác giải phóng mặt bằng đã thực hiện được trên 10% diện tích. 

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Dự kiến tháng 10 năm nay sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản. Phòng Thương mại và Công nghiệp Kawasaki và Hiệp hội DN ngành Công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) sẽ là cầu nối cho các DN hai nước tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Khu công nghiệp hỗ trợ phía Nam Hà Nội.

Sự hoạt động tích cực của các tổ chức, cá nhân với vai trò là nhịp cầu đầu tư của hai nước Việt Nam - Nhật Bản cũng như việc các ngân hàng thương mại Việt Nam nhận làm mạnh thường quân cho hoạt động đầu tư của các DN, chắc chắn hoạt động công nghiệp phụ trợ sẽ khởi sắc, sớm đáp ứng cung cấp được các phụ kiện, phụ liệu cho ngành công nghiệp cơ khí, điện tử, dệt may, giày da... đang phải nhập khẩu từ nước ngoài như hiện nay.

Chú thích ảnh: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản ngày 19/3/2014 tại OSAKA và đã chứng kiến Lễ ký kết hợp tác phát triển giữa Chủ tịch Tập đoàn TAKKO với ông Nguyễn Hoàng (bìa phải) - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty N&G Corp, Chủ tịch Hiệp hội DN ngành Công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, về việc hợp tác đầu tư tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội.

Thế Lữ