Vẫn băn khoăn “quyết tâm” chống bức cung, dùng nhục hình

PV: Ông đánh giá như thế thế nào về thực trạng bức cung, dùng nhục hình, cũng như các giải pháp chống bức cung, nhục hình mà các cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Tôi thấy các cơ quan tiến hành tố tụng đã phản ánh được một phần tình trạng bức cung, dùng nhục hình thông qua những con số các vụ bức cung, dùng nhục hình bị phát hiện, xử lý, song chưa phản ánh hết thực trạng này. 

Theo tôi, thực trạng bức cung, dùng nhục hình không chỉ là nằm ở con số mà còn phải thể hiện qua những đánh giá về trình độ, phẩm chất của những người tiến hành tố tụng. Thực tế, do tư duy, nhận thức, trình độ, bản lĩnh, đạo đức của người tiến hành tố tụng mà gây ra tình trạng bức cung, dùng nhục hình. Điều này có nghĩa, thực trạng bức cung, dùng nhục hình trong tố tụng chưa được phản ánh ráo riết, chuẩn xác thì các giải pháp đưa ra cũng khó đầy đủ. 

Khách quan mà nói, có một điểm chung giữa các ngành là ngành nào cũng thể hiện “quyết tâm chống bức cung, dùng nhục hình” vì đó là hành vi có hại, không thể khoan hồng, dung thứ. Có nhiều đề xuất hay như ngành Công an sẽ tập huấn các văn bản pháp luật, bố trí, sắp xếp lại nhân sự để giảm và hạn chế bức cung, dùng nhục hình. Ngành Kiểm sát cũng nhấn mạnh phải xử lý hình sự những người có hành vi bức cung, dùng nhục hình nên kiên quyết khởi tố, truy tố chứ không để lọt người, lọt tội đối với hành vi này. Nhưng đó cũng chỉ “quyết tâm”. 

Là người hoạt động trong thực tiễn, gần gũi và tiếp xúc cử tri, tôi vẫn hết sức băn khoăn là việc các cơ quan tiến hành tố tụng có thể biến “quyết tâm” đó, đưa các qui định của pháp luật về chống bức cung, dùng nhục hình vào thực tiễn mà theo tôi đó là cả một quá trình không dễ dàng. Bởi thực tiễn không phải lúc nào cũng diễn ra như dự tính, nhận định chủ quan của các cơ quan đang đưa ra các “quyết tâm” mạnh mẽ.

PV: Phải chăng do chúng ta đang thiếu một hệ thống giám sát, chế tài để buộc thực hiện những vấn đề đã đặt ra, trong đó có các giải pháp chống bức cung, dùng nhục hình?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Đúng thế, tổ chức thực hiện pháp luật rất nhọc nhằn, phức tạp. 

“Sự tham gia của luật sư ngay từ đầu vào quá trình tố tụng phải là nguyên tắc bắt buộc để chống bức cung, dùng nhục hình. Pháp luật của ta cũng đã qui định về vấn đề này như: Sau khi bị tạm giữ 24 tiếng hoặc nếu bị khởi tố thì trong vòng 3 ngày, luật sư có quyền gặp người bị tạm giữ, bị can nhưng thực tế các quyền này hầu như là không thực hiện được, trừ các vụ án chỉ định như án vị thành niên, án có khung hình phạt đến tử hình thì các cơ quan tố tụng mới thực hiện mời luật sư từ rất sớm để hợp thức hóa thủ tục và hồ sơ điều tra”....

người đứng đầu phải có biện pháp để biến các qui định thành hiện thực, giám sát để phát hiện sớm, không để xảy ra hậu quả nặng nề, xử lý cương quyết, nghiêm túc những người vi phạm thì mới ngăn chặn được vi phạm. Đó là trách nhiệm của người lãnh đạo,  người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật. 

Như tôi nói đôi khi nó là một vấn đề khoa học, thuộc năng lực quản  lý của mỗi người. Có những người không đủ năng lực quản lý, để xảy ra vi phạm mà không biết làm cách nào để ngăn chặn, xử lý.

Ghi âm, ghi hình không giải quyết được mọi vấn đề

PV: Một trong những giải pháp chống bức cung, dùng nhục hình là được ghi âm, ghi hình tại phòng hỏi cung. Nhưng, Bộ Công an lý giải chưa áp dụng được rộng rãi vì thiếu kinh phí, điều kiện bảo quản thông tin, thiết bị. Theo ông, đó là lý do hay chỉ là “cớ” để trì hoãn thực hiện biện pháp này?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Trước hết, cần phân rõ trang thiết bị giám sát để phòng, chống tội phạm, ngăn chặn tội phạm bỏ trốn và trang thiết bị giám sát hỏi cung vì với trình độ công nghệ hiện nay chỉ cần điện thoại cũng có thể ghi âm, ghi hình cuộc hỏi cung mà không cần đầu tư quá nhiều. Việc lưu trữ thông tin ghi âm, ghi hình đó cũng có thể dễ dàng thực hiện được. Ngay cả việc bảo trì, bảo dưỡng cũng không khó

Những nơi có điều kiện có thể trang bị các thiết bị chuyên dùng, lắp cố định tại các phòng hỏi cung để sử dụng. Những thiết bị này cũng không quá đắt và Quốc hội sẵn sàng cấp kinh phí nhưng tất nhiên phải hợp lý, chứ không phải nhân dịp đang dấy lên việc chống bức cung, dùng nhục hình mà làm tràn lan, cuối cùng lại lãng phí. Để tránh lộn xộn, không nhất quán giữa các nơi, tôi cho rằng, cần qui định rõ trong trường hợp nào buộc phải ghi âm, ghi hình các cuộc hỏi cung. 

Cũng phải nói thêm rằng, đó là một trong những biện pháp nhưng tôi nghĩ chưa phải tối ưu và có hiệu quả nếu như không có những con người trung thực, không có một hệ thống tổ chức giám sát việc thực hiện. 

Thực tế, bức cung, nhục hình không chỉ xảy ra trong lúc hỏi cung, dưới các thiết bị giám sát, do các điều tra viên trực tiếp thực hiện, mà có thể diễn ra bằng nhiều hình thức, ở những thời điểm ngoài lúc hỏi cung trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam. Ngay cả khi sử dụng thiết bị, người ta vẫn có thể xóa, cắt dữ liệu. Tôi không phản đối mà coi đó là một giải pháp chứ không phải giải pháp ưu việt, “nóng sốt” giải quyết được mọi vấn đề nên cần đổ tiền, đổ công sức vào ngay. 

Luật sư phải được tham gia ngay từ đầu

PV: Theo ông đâu là giải pháp cần làm ngày trong giai đoạn này để chống bức cung, nhục hình?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Tôi cho rằng, biện pháp quan trọng nhất, trước hết, là phải bảo đảm được quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo được quyền có luật sư do tự mời hoặc được Nhà nước chỉ định để giúp và tư vấn cho họ ngay từ giai đoạn đầu. Luật sư cùng phải được quyền thu thập, đệ trình các chứng cứ do mình thu thập. Tôi cho rằng, nếu hai biện pháp này được thực hiện đầy đủ sẽ góp phần mạnh mẽ chống bức cung, dùng nhục hình. 

Tiếp đó, cần làm ngay là rà soát lại đội ngũ điều tra viên. Nếu kém quá thì không thể để tiếp tục làm công tác điều tra vì thực chất điều tra là cuộc “đấu trí” với tội phạm. Từ việc đấu trí không được sẽ dẫn đến các hành vi bức cung, dùng nhục hình để có các bản cung khai. Những điều tra viên nhận thức không đúng, sử dụng các biện pháp điều tra sai như luôn có định kiến với tội phạm, không thực hiện nguyên tắc “suy đoán vô tội” thì phải bị sắp xếp lại. Như vậy có thể góp phần giảm bức cung, dùng nhục hình.

Vai trò của Viện Kiểm sát cũng rất quan trọng nên cần xem lại mối quan hệ giữa Viện Kiểm sát và cơ quan điều tra, hoàn chỉnh, bổ sung, sửa đổi lại những qui định này trong Bộ Luật Tố tụng hình sự sửa đổi sắp tới để Viện Kiểm sát làm được vai trò của mình trong chống bức cung, dùng nhục hình. 

Tòa án cũng có vai trò này vì trong quá trình xét xử, thẩm phán sẽ phải phát hiện ra những mâu thuẫn, gượng ép, bỏ lọt tội hoặc ép nhận tội trong hồ sơ, chứng cứ so với lời khai của bị cáo để nhận định có hành vi bức cung, dùng nhục hình. Chứ hiện nay, thậm chí khi luật sư nêu ra sự thiếu phù hợp giữa hồ sơ và lời khai của bị cáo nhưng đôi khi vẫn bị bác. Cùng với đó, phải chú trọng thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại tòa, trọng chứng hơn trọng cung. 

Theo tôi, mỗi cơ quan trong quá trình tố tụng đều có vai trò nhất định trong chống bức cung, nhục hình nên cần phải phát huy từ chính yếu tố con người.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thảo Nguyên

(Ghi)