Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xử lý, kiến nghị xử lý 7 cán bộ diện Trung ương quản lý trong 6 tháng

Hương Giang

Thứ năm, 05/08/2021 - 15:39

(Thanh tra) - 6 tháng đầu năm 2021, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh ở Trung ương và địa phương, đạt nhiều kết quả tích cực, có mặt cao hơn năm trước.

Toàn cảnh phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN

Ngày 5/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã họp phiên thứ 20 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo thống nhất kết luận, 6 tháng đầu năm 2021, dù có nhiều khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, nhưng công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh ở Trung ương và địa phương, đạt nhiều kết quả tích cực, có mặt cao hơn năm trước.

Gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái

Nổi bật là, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực và nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm cả đường chức, nghỉ lưu, cả cán bộ cao cấp.

6 tháng đầu năm, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật trên 70 tổ chức Đảng, trên 8.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái và hơn 20 đảng viên bị kỷ luật do vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thành lập 14 đoàn kiểm tra, trong đó có 10 đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức Đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Qua kiểm tra đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật 1 tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương, 7 cán bộ diện Trung ương quản lý và nhiều cán bộ, lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp Nhà nước có sai phạm.

Ngành Thanh tra, kiểm toán đã phát hiện sai phạm về kinh tế 54.474 tỷ đồng và 1.760 ha đất; kiến nghị xử lý tài chính hơn 23.499 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 7.017 tỷ đồng và 644 ha đất, kiến nghị xử lý hành chính 851 tập thể và 2.073 cá nhân.

Từ công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra đã phát hiện, xử lý 20 vụ, 35 đối tượng tham nhũng và có liên quan đến tham nhũng. 

Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khởi tố với nhiều vụ án, nhiều bị can, trong đó có nhiều bị can là cán bộ cấp cao, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo “không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố mới 1.850 vụ án/3.294 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 144 vụ án/384 bị can về các tội tham nhũng.

Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ sau phiên họp 19 của Ban Chỉ đạo đến nay, đã khởi tố mới 07 vụ án/35 bị can, khởi tố thêm 55 bị can trong 10 vụ án, phục hồi điều tra 01 vụ án/07 bị can; kết thúc điều tra 12 vụ án/111 bị can, kết thúc điều tra bổ sung 02 vụ án/23 bị can; truy tố 11 vụ án/112 bị can; xét xử sơ thẩm 13 vụ án/82 bị cáo, xét xử phúc thẩm 06 vụ án/20 bị cáo. Đáng chú ý, đã khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời 4 vụ án trọng điểm.

Cũng theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các bộ, ngành được quan tâm, nhất là đã chủ động, kiên quyết hơn trong kiểm tra, xử lý nghiêm nhiều cán bộ tham nhũng, tiêu cực trong chỉnh các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chống tham nhũng.

Qua kiểm tra, thanh tra, kiểm soát nội bộ, các bộ, ngành đã phát hiện, chuyển 125 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Điển hình, Thanh tra Chính phủ đã chuyển 26 vụ, Bộ Tài chính chuyển 95 vụ, Ngân hàng Nhà nước phát hiện, xử lý 5 vụ việc/5 người...

Cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật 27 cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân, 16 cán bộ, đảng viên trong Quân đội nhân dân do tham nhũng, tiêu cực; Cơ quan Điều tra, Viện KSND Tối cao đã khởi tố mới 16 vụ án/19 bị can tham nhũng trong hoạt động tư pháp.

Thu giữ, kê biên tài sản trong vụ án tham nhũng, kinh tế hơn 14.413 tỷ đồng

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương có chuyển biến tích cực, khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh". Các địa phương qua thanh tra, kiểm tra đã chuyển 80 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhiều địa phương đã khởi tố mới nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế như: Khánh Hòa 07 vụ/08 bị can; Thanh Hóa 07 vụ/16 bị can; Bắc Ninh 06 vụ/22 bị can; Nam Định 05 vụ/10 bị can...

Nổi bật là, một số địa phương đã chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận đồng tình, đánh giá cao như Khánh Hòa, Đồng Nai, TP HCM, An Giang, Phú Yên, Sơn La...

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục được quan tâm, đạt nhiều kết quả. Các cơ quan tố tụng đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có giá trị hơn 14.413 tỷ đồng; cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi hơn 1.995 tỷ đồng.

Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn tẩu tán tài sản trị giá trên 1.467 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác; trong giai đoạn thi hành án đã thu hồi gần 1.900 tỷ đồng.

Ngoài ra, tiếp tục xây dựng hoàn thiện thể chế về xây dựng đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng.

Trong đó, đã kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo về cơ chế mới xử lý sai phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án.

Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì báo cáo ngay cho Thường trực Ban Chỉ đạo để kịp thời chỉ đạo xử lý; đồng thời chuyển ngay thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của Đảng.

Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng cũng tiếp tục được đẩy mạnh. Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng tiếp tục duy trì hoạt động nề nếp, hiệu quả.

4 vụ án trọng điểm đã đưa ra xét xử

- Vụ án “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí Ethanol Phú Thọ và Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam.

- Vụ án “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên.

- Vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công thương và Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến dự án 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM. 

- Vụ án “vuôn lậu; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm