Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ có nhiều thuận lợi được tổ chức tập trung và mở rộng nhằm thảo luận vào các nội dung chủ yếu: Dự thảo Báo cáo kết quả công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm công tác Mặt trận 6 tháng cuối năm 2022; Dự thảo Đề án “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam”; Dự thảo Nghị quyết liên tịch ban hành Quy chế Phối hợp của Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Tại hội nghị này, Đoàn Chủ tịch sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh trong Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 theo đúng quy định.

Đoàn Chủ tịch cũng đã tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh trong Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX.

Tại đây, các đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn đóng góp vào nội dung các dự thảo xin ý kiến tại hội nghị.

Bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, trong 6 tháng vừa qua, MTTQ các cấp đã làm được rất nhiều công việc quan trọng, đóng góp cho Đảng, Nhà nước thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; lắng nghe ý kiến của nhân dân và tiếp thu ý kiến từ các chương trình giám sát, hoạt động phản biện xã hội để gửi tới Quốc hội.

Từ đó, tiếng nói của Mặt trận đã tạo được sự chuyển biến lớn cho những nhà lập pháp đưa ra những quyết sách đúng đắn cho đất nước.

Bà Nguyễn Thị Doan cho rằng, thời gian tới, cần quan tâm đến chiều sâu của công tác Mặt trận, trong đó, nhấn mạnh tới sự tham gia của Mặt trận vào công tác của Đảng, Nhà nước với tính chất là giám sát, phản biện, xây dựng Đảng, chính quyền...

Bởi hiện nay, hoạt động giám sát, phản biện xã hội mới chỉ tập trung vào các văn bản pháp luật, trong khi hoạt động này có thể mở rộng hơn nữa, đặc biệt là phản biện xã hội cần sâu hơn nữa.

Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến những tâm tư nguyện vọng của nhân dân, nhất là diễn biến trong tâm tư của nhân dân hiện nay, trong đó tập trung vào 3 vấn đề là giáo dục, y tế và khoa học, bà Nguyễn Thị Doan đề nghị.

Ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu ý kiến, cần xác định rõ và đúng, nhận thức thống nhất về địa vị pháp lý của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị của Việt Nam hiện nay.

Ông Thịnh chỉ rõ, mô hình tổ chức phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, phải đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức về vị trí vai trò của MTTQ Việt Nam.

Phải làm rõ, MTTQ Việt Nam không phải là một thiết chế Nhà nước nhưng là một thiết chế được quy định trong Hiến pháp và Luật MTTQ Việt Nam nên có vai trò và vị trí rất quan trọng, có thể nói là quan trọng bậc nhất sau Đảng, Nhà nước trong hệ thống chính trị.

Vì vậy, công tác giám sát, phản biện của xã hội của MTTQ Việt Nam cũng cần được nhận thức như vậy, từ đó, kết quả giám sát, phản biện sẽ tác động rất nhiều đến đời sống xã hội.

Ông Thịnh dẫn qua thực tiễn, chủ thể nào trong xã hội cũng có thể giám sát, phản biện xã hội để giúp cho Nhà nước hoạt động đúng pháp luật và hiệu quả, bởi xuất phát từ bản chất Nhà nước và chế độ của nước ta là dân chủ, nhưng không phải chủ thể nào cũng có địa vị pháp lý như MTTQ Việt Nam; nếu, Mặt trận phát huy được tối đa vai trò thì kết quả tác động sẽ rất lớn.

Ông Thịnh cho rằng, khi MTTQ Việt Nam giám sát về việc giải quyết kiến nghị, tố cáo của người dân, Mặt trận có văn bản kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, nhưng cơ quan nhà nước không đối thoại cùng với MTTQ Việt Nam để cùng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân, nên tính hiệu quả giám sát của MTTQ còn có hạn chế.

Góp ý vào Đề án “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam”, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đề xuất sửa đổi “Ban Đoàn kết và Vận động xã hội” thành “Ban Cộng đồng và Vận động xã hội”. Bởi, Mặt trận là nơi tập hợp, đoàn kết những người Việt Nam yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội.

Góp ý vào Đề án trình Bộ Chính trị “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam”, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình cho rằng, Hiến pháp năm 2013 và Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 là căn cứ chính trị, pháp lý vững chắc cho việc trình Đề án lên Bộ Chính trị xem xét quyết định.

Ghi nhận và tiếp thu những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết sát thực tiễn của đại biểu tham dự hội nghị này, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp thu, hoàn thiện các dự thảo văn bản để làm căn cứ để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Với tinh thần trách nhiệm cao, dân chủ và đoàn kết, đại biểu tham dự đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 13 mở rộng khoá IX.

Thanh Thanh