Ngày 11/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp có chủ đề “chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”. 

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội, kết nối với nhiều đầu cầu trên cả nước.

Doanh nghiệp thiếu vốn, kiến nghị không “siết chặt” tín dụng

Tại đây, nhiều đại diện hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng cần có chính sách hỗ trợ lãi suất và không nên “siết” tín dụng doanh nghiệp.

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu của ngành Dệt may Việt Nam khá thuận lợi đạt 26,55 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021 khi đơn hàng dồi dào, lực lượng lao động dần ổn định.

Song, ông Cẩm cho hay, sau thời gian chống dịch, tiềm lực về vốn, tài chính của nhiều doanh nghiệp dệt may khá khó khăn. “Có những doanh nghiệp đọng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) trên 5 tỷ trong thời gian dài, khó khăn cân đối tài chính", ông Cẩm nêu.

Vốn cũng đang là bài toán thách thức của các doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng, bất động sản. 

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho hay, phần lớn doanh nghiệp trong ngành xây dựng dự kiến chỉ đạt 80 - 90% kế hoạch đặt ra về doanh thu và sản lượng. “Điều đáng lo ngại là dòng tiền và hiệu quả kinh doanh sụt giảm mạnh vì chi phí lớn”, ông Hiệp nói.

Theo ông, các doanh nghiệp xây dựng phần lớn là “vừa và nhỏ”, quy mô vốn dao động dưới 100 tỷ đồng. Chưa đến 10 doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ. Song, các doanh nghiệp hầu hết đều nợ đọng từ vài trăm đến vài nghìn tỷ, trong khi vốn eo hẹp phải vay ngân hàng để trang trải thi công với lãi suất thông thường khoảng 9-10%/năm nên có những tập đoàn 1 quý doanh thu có thể đến 3.000 tỷ nhưng lãi chỉ 10 tỷ. 

“Chính những khoản nợ đọng này nên các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ”, ông Hiệp nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam. Ảnh: N.Bắc

Từ đó, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam kiến nghị Chính phủ có giải pháp ưu tiên về lãi suất với các doanh nghiệp xây dựng, giúp họ giải quyết bài toán nợ đọng, vốn. 

“Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn bổ sung những ưu tiên hợp lý cho tín dụng xây dựng, đặc biệt là các dự án trọng điểm theo quan điểm hỗ trợ cho sản xuất”, ông Hiệp nói.

Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước không “siết chặt” tín dụng một cách bất hợp lý, tăng cường giám sát, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường.

Trước những thách thức của doanh nghiệp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành đẩy nhanh gỡ khó về pháp lý hoặc thủ tục đầu tư xây dựng với dự án bất động sản; giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi… 

Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước cảm nhận áp lực từ nhiều phía. 

Theo bà, trong báo cáo của các đơn vị gửi ngân hàng, doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị phá giá đồng Việt Nam, trong khi đó, doanh nghiệp nhập khẩu lại phản ánh nếu đồng Việt Nam phá giá sẽ làm cho các doanh nghiệp nhập khẩu bị nhỡ. Hay tháo gỡ tín dụng cho thị trường bất động sản nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn muốn tập trung vốn vào sản xuất, kinh doanh. 

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp có chủ đề “chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”: Ảnh: N.Bắc

Từ góc độ đó, bà Hồng cho hay, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ làm sao để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định được thị trường tiền tệ ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng của dữ liệu 14% còn lại.

Lắng nghe, chia sẻ, đồng hành và sát cánh với doanh nghiệp

Phát biểu kết luận, Thủ tướng kêu gọi “mỗi doanh nhân, doanh nghiệp là một chiến sĩ tinh nhuệ, quả cảm, bản lĩnh trên mặt trận kinh tế, nỗ lực cùng Chính phủ sớm giành được chiến thắng trong cuộc chiến đấu với đại dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển bền vững”. Ông nhấn mạnh hiện còn nhiều những thách thức, song tin tưởng các doanh nghiệp sẽ vượt qua.

Nêu rõ các nhiệm vụ cụ thể trong ngắn hạn, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiếp tục hỗ trợ nhằm giảm thuế, phí xăng dầu, các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu; đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động. 

Đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Thủ tướng đề nghị, các doanh nghiệp tham gia vào các công trình hạ tầng chiến lược trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, chung sức, đồng lòng cùng cả nước vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay.

Nhiệm vụ nữa là cải cách thể chế, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được gây khó khăn mà tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, chống tham nhũng, tiêu cực, thủ tục “lòng vòng”, sách nhiễu, kể cả tham nhũng “vặt”.

Về dài hạn, theo người đứng đầu Chính phủ, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; thúc đẩy chuyển đổi số; tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp…

leftcenterrightdel
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc 

Với doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo để tìm ra cơ hội trong thách thức, xoay chuyển và thích ứng; nâng cao năng suất, năng lực, sức cạnh tranh.

Ông cũng đề nghị doanh nghiệp quan tâm đến việc giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao động. Yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, bền vững là con người, cùng với công nghệ và phương thức, mô hình kinh doanh - theo Thủ tướng.

“Vì một cộng đồng doanh nghiệp chủ động thích ứng, phát triển bền vững góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, nhân dân ấm no và hạnh phúc, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành, sát cánh, chia sẻ, tiếp thu tối đa các ý kiến của tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, của doanh nghiệp, đồng thời, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường vượt qua khó khăn”, Thủ tướng phát biểu.

Gánh nặng chi phí đang “bào mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp

Giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, tạo gánh nặng chi phí đang "bào mòn" lợi nhuận của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp xây dựng, giá nguyên liệu tăng dẫn đến giá thành gói thầu tăng từ 18-30% theo từng thời điểm, dẫn đến tình trạng “càng làm càng lỗ”. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu như da giày, dệt may, thủy sản... lại chịu áp lực từ chi phí logistics (vận tải biển) tăng cao từ 3 - 5 lần, khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào...

Trong khi, giá đầu ra chưa tăng hoặc tăng cầm chừng do cần kích cầu, thu hút khách hàng sau khi mở cửa nền kinh tế.

leftcenterrightdel
 Ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam. Ảnh: Đ.X

Ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho hay, thị trường hàng không Việt Nam đang trên đà phục hồi. Vận chuyển hành khách trong nước tăng 12% so với năm 2019; vận chuyển hàng hoá quốc tế cũng tăng trở lại. Tuy nhiên, doanh thu lại không tương ứng, do giá nhiên liệu và một số giá đầu vào tăng lên. 

“Các hãng hàng không vẫn bị lỗ và tính thanh khoản không được cải thiện nhiều”, ông Dũng cho hay và đề nghị đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng hàng không; mở rộng thêm những tuyến, đường bay quốc tế; tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, liên quan đến miễn giảm thuế đất…

Đến hết tháng 7/2022, cả nước có khoảng 871.000 doanh nghiệp đang hoạt động có phát sinh thuế, tăng gần 13% so với năm 2019.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong 7 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới là 89.407 doanh nghiệp, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường với trên 130.000 doanh nghiệp, vượt xa số 105.425 doanh nghiệp cùng kỳ năm ngoái, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. 

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 44.301 doanh nghiệp, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2022 là 3.335.810 tỉ đồng (tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2021).

Cạnh đó, có 94.575 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021. 

Hương Giang