Sáng 9/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Hội nghị được kết nối tới UBND 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên cả nước.

Tiết kiệm chi phí, hạn chế tham nhũng “vặt”

Theo báo cáo, đánh giá tại hội nghị, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực.

Đến nay, đã có gần 125 triệu hồ sơ xử lý trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; hoàn thành 21/25 dịch vụ công mức độ 3, 4 đúng lộ trình Đề án 06. Riêng Bộ Công an đã hoàn thành mức độ 3, 4 với 187/224 dịch vụ công của toàn ngành công an.

Nhiều dịch vụ công mức độ 3, 4 mang lại hiệu quả, điển hình như việc đăng ký dự thi trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo (đã triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí cho người dân); hay việc cấp hộ chiếu trực tuyến, phân cấp đăng ký ô tô, xe máy về cấp huyện, cấp xã của Bộ Công an...

Đáng chú ý, nên cạnh tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí của người dân, chúng ta đã từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, hạn chế tiếp xúc, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”.

Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 11 bộ, ngành, 14 địa phương và 4 doanh nghiệp Nhà nước…

Bộ Công an đã cấp trên 67 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử; bước đầu thí điểm triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước tích hợp thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh, thẻ ATM rút tiền tại ngân hàng, sử dụng thẻ căn cước để kiểm soát an ninh, an toàn các sự kiện lớn...

Hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức từ ngày 18/7/2022, hình thành hệ sinh thái công dân số.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Thủ tướng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao; còn một số dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức, chưa thực chất.

Người dứng đầu Chính phủ dẫn chứng, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến năm 2020 chỉ đạt 1,78%, năm 2021 đạt 9,51%; 7 tháng năm 2022 mới đạt gần 18%.

Ngoài ra, tiến độ thực hiện số hóa và điện tử hóa quy trình để cắt giảm bớt các giấy tờ còn chậm, người dân vẫn phải kê khai nhiều lần. Việc kết nối dữ liệu dân cư với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành mới chỉ là bước đầu, chia sẻ dữ liệu chưa nhiều…

Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư cần thuận lợi, công khai, minh bạch

Thủ tướng lưu ý kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều nhiệm vụ đầu tư cần xem xét, quyết định sớm; khó khăn, thách thức còn không ít, thậm chí có cả “lực cản”.

Đến đầu năm 2026, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thể làm nền tảng để tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được không - Thủ tướng đặt câu hỏi.

Từ đó, ông yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược; phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia xây dựng và phát triển của cả hệ thống chính trị và của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

“Chúng ta phải phát triển bằng được hệ sinh thái công dân số để người dân, doanh nghiệp hiểu, sử dụng nó, làm giàu thông tin và là một bộ phận không thể tách rời khỏi đời sống kinh tế, xã hội của người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ảnh: Đ.X

Các bộ, ngành, địa phương phải sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân.

“Phát triển Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư thời gian tới cần phải thể hiện được tính “thuận lợi, công khai, minh bạch, đồng thuận xã hội, bảo đảm được an ninh an toàn cho người dân”, Thủ tướng gợi mở.

Nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng lưu ý, các bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp cũng phải xác định quyết tâm chỉ đạo quyết liệt đề án; đồng thời quán triệt và tạo sự lan tỏa đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.

Ông cũng yêu cầu sớm xây dựng hệ thống giám sát theo dõi, đánh giá việc triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đôn đốc trong quá trình triển khai và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Bộ Công an được giao nghiên cứu xây dựng Trung tâm Điều phối dữ liệu dân cư, thông qua trung tâm này kết nối, làm sạch dữ liệu, tương tác, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương.

Một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu triển khai công việc thực chất, hiệu quả, tiện ích, tiết kiệm và bảo mật thông tin, Thủ tướng nói, "việc gì được người dân và doanh nghiệp ủng hộ thì sẽ thành công, khó mấy cũng lo được”.

Tại hội nghị, các cơ quan đã chính thức công bố ứng dụng VneID là ứng dụng công dân số quốc gia.

Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có lộ trình để đưa các tiện ích thiết yếu lên ứng dụng này, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để người dân luôn tin tưởng, sử dụng.

Thông qua VneID, cho phép người dân cập nhật thêm các thông tin cá nhân lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như trình độ học vấn, quan hệ họ hàng; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiêm chủng, giấy phép lái xe, tài khoản ngân hàng, viễn thông, công chức, viên chức, đảng viên…

Mục tiêu đặt ra là đến cuối năm 2022, đầu năm 2023 sẽ có khoảng 3-5 triệu người dân sử dụng VneID, với tốc độ tăng ít nhất 5% mỗi tháng… 

Hương Giang