Đưa sách giáo khoa vào bình ổn giá hay không thuộc quyền của Quốc hội

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) hỏi: Việc kê khai giá sách giáo khoa hiện thế nào và có đưa mặt hàng vào diện bình ổn giá hay không?

Chung mối quan tâm, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) chất vấn: “Khi nào giá sách giáo khoa ở mức phù hợp, lợi ích hài hòa, đáp ứng được chủ trương của Đảng và Nhà nước giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, việc kê khai giá sách giáo khoa vẫn được doanh nghiệp thực hiện. Nhà nước chỉ thẩm định giá với những loại sản phẩm được mua bằng ngân sách. Còn với sách giáo khoa người mua sẽ lựa chọn chỗ tốt, rẻ nhất trên tinh thần minh bạch, công khai.

Theo ông, các cơ quan quản lý cần vận động doanh nghiệp tiết giảm chi phí để giá bán hạ xuống. “Còn nếu đưa vào diện bình ổn để Nhà nước phải bù giá thì phải đưa vào luật giá”, Bộ trưởng Tài chính nói.

Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã họp bàn, thống nhất sẽ báo cáo Thủ tướng, đưa mặt hàng sách giáo khoa vào Luật Giá, nhưng được quyết định hay không thuộc thẩm quyền Quốc hội.

leftcenterrightdel
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang). Ảnh: Đ.X

Sau trả lời này, đại biểu Châu Quỳnh Giao tranh luận lại. Bà cho rằng, “không hiểu vì sao” hai năm qua, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhiều lần kiến nghị Bộ Tài chính nhưng chưa thấy trả lời về việc đề xuất quản lý khung giá sách giáo khoa.

“Việc này không phải trách nhiệm của riêng bộ trưởng, nhưng cử tri và đại biểu mong muốn được giải thích rõ là có khó khăn gì trong việc đưa giá sách giáo khoa vào diện bình ổn giá. Chúng ta cứ trả lời sắp tới, sắp tới, nhưng các em học sinh sẽ bị lỡ nhịp. Cần nói rõ để phụ huynh và học sinh biết khi nào giá sách giáo khoa ở mức phù hợp, lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp, Nhà nước, học sinh, phụ huynh”, bà Giao nói.

Cũng tranh luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ ngạc nhiên khi Bộ trưởng nói “bộ chỉ thẩm định giá với loại hàng mua bằng ngân sách”.

“Câu chuyện này lâu rồi, tôi tha thiết đề nghị Quốc hội sớm đưa sách giáo khoa vào mặt hàng thẩm định giá, trợ giá cho học sinh vùng khó khăn càng sớm càng tốt. Luật Giá cần sớm sửa đổi nội dung này”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu.

“Chúng tôi sẽ cố gắng làm thật nhanh”

Thông tin sau đó, Bộ trưởng Tài chính nói ý kiến trợ giá sách giáo khoa cho học sinh vùng sâu, vùng xa là rất có ý nghĩa. Việc này do Quốc hội xem xét, quyết định. Ông cũng hoan nghênh việc sách giáo khoa phải kê khai giá trong Luật Giá.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. Ảnh: Đ.X

“Chưa lửa” sau đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ông đã trao đổi về việc này.

Ông Sơn khẳng định, trong thời gian sắp tới, nhanh nhất, gần nhất bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính làm các thủ tục cần thiết trình Chính phủ, Quốc hội để có được giải pháp ổn định, lâu dài về giá sách giáo khoa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực biên soạn một thông tư mới quy định quy cách, quy chuẩn sách giáo khoa cho phù hợp hơn với tình hình hiện nay. Việc này sẽ góp phần tác động tới giá sách giáo khoa. “Chúng tôi sẽ cố gắng làm thật nhanh”, ông Sơn nói.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh Đ.X 

Về yêu cầu doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí, giảm các khâu trung gian, giảm chi phí phát hành và thực hiện việc cạnh tranh lành mạnh, Bộ trưởng Sơn cho biết “đã và đang làm”.

Theo ông Sơn, việc này thực hiện với Nhà xuất bản Giáo dục (một doanh nghiệp do bộ làm cơ quan chủ quản) thì không vấn đề gì nhưng hiện có 5 đơn vị đang làm biên soạn, phát hành sách giáo khoa, nên những tác động chỉ đạo sẽ có phần khó khăn khó khăn hơn.

Ông Sơn cũng nêu vấn đề đại biểu quan tâm là ngoài sách giáo khoa, có tình trạng phát hành bán kèm sách tham khảo, sách bài tập. Bộ đã có Thông tư 21, trong đó quy định nghiêm cấm hiệu trưởng, giáo viên, với bất kỳ hình thức ép buộc, gợi ý với phụ huynh trong việc mua sách không thuộc danh mục sách giáo khoa.

Hương Giang