Ngày 21/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước.

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến việc lùi thời điểm cải cách tiền lương.

Chủ tịch nước cho hay, theo Nghị quyết 27 Trung ương khóa XI thì từ năm 2021, chúng ta bắt đầu cải cách tiền lương 1 bước.

Chúng ta đã vượt thu ngân sách rất lớn và ra chủ trương nếu địa phương vượt thu thì để lại 50% cho đầu tư, 50% còn lại dành để chuẩn bị cho tăng lương.

Theo Chủ tịch nước, nguồn để lại dành cho tăng lương lớn với 600-700 nghìn tỷ đồng, gần đủ thực hiện một bước cải cách tiền lương.

Vừa qua, do dịch bệnh bùng phát, TP HCM và các tỉnh phải sử dụng nguồn tăng lương để chi khám chữa bệnh, điều trị, mua vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch.

leftcenterrightdel
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Đ.X 

“Dân đang khó khăn, nhất là người nông dân, công nhân, người thiếu việc làm rất lớn mà công chức, viên chức được nâng lương thì không có ý nghĩa về chính trị”, Chủ tịch nước nói và cho biết, ông là một trong những người đầu tiên đề nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ chưa nâng lương đợt này để phù hợp với lòng dân.

Tuy nhiên, lãnh đạo Nhà nước cho rằng, không thể kéo dài lùi cải cách tiền lương mãi. Trước mắt, cần tính toán để nâng lương cho người về hưu trước năm 1995, vì đây là những người có lương thấp, đời sống khó khăn.

Cạnh đó, tiếp tục phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, dành dụm nguồn lực tốt hơn để tính toán báo cáo Trung ương, Quốc hội tiếp tục cải cách tiền lương cho cán bộ công chức trong thời gian tới.

“Yêu cầu này vẫn phải đặt ra trên cơ sở có nguồn thu, không thể đi vay để tăng lương được”, Chủ tịch nước nhấn mạnh. Song song với đó là tinh giản biên chế, nhất là các đơn vị sự nghiệp…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, lùi cải cách tiền lương là vấn đề rất lớn mà Quốc hội cần biểu quyết.

Theo ông Định, thời điểm này, “lùi cải cách tiền lương là rất cần thiết”, nhất là, 2 năm liên tục tăng trưởng GDP thấp.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh Đ.X

“Lùi cải cách tiền lương là chia sẻ của những người hưởng lương với khó khăn chung để dành tiền cho phòng chống dịch, cho phát triển, cho an sinh xã hội. Đó là trách nhiệm nhân văn của đội ngũ hưởng lương, tôi bày tỏ thống nhất với chủ trương này", Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Vẫn theo Phó Chủ tịch, nếu kinh tế phục hồi, thu ngân sách tốt thì lại quyết định cải cách tiền lương vào thời điểm phù hợp. Nhưng năm tới vẫn tăng cho người về hưu trước 1995 để giải quyết khó khăn.

Báo cáo trước Quốc hội hôm qua (20/10), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho hay, với tình hình dịch bệnh hiện nay, việc thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2022 là khó khả thi. Vì vậy, Ủy ban này nhất trí với phương án Chính phủ trình.

Để có điều kiện cho việc triển khai trong những năm tiếp theo, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ tính toán, chú trọng hơn nữa việc cân đối nguồn lực để bảo đảm thực hiện cải cách tiền lương. Điều này, góp phần bảo đảm đời sống người hưởng lương, nhất là đối tượng có mức lương thấp.

Hương Giang