Ngày 21/7, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết về tình hình người Việt tại Sri Lanka cũng như các biện pháp hỗ trợ công dân Việt Nam tại đây.

Đảm bảo an toàn cho công dân Việt Nam tại Sri Lanka

Trong bối cảnh tình hình Sri Lanka có những diễn biến phức tạp, Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka đã chủ động theo dõi sát tình hình sở tại, yêu cầu cơ quan chức năng Sri Lanka đảm bảo an ninh, an toàn cho công dân Việt Nam tại địa bàn.

Theo Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam tại Sri Lanka trước đây có khoảng 300 người, nhưng hiện nhiều người đã về nước. Đời sống của công dân Việt Nam bị ảnh hưởng do thiếu gas, điện, nhiên liệu, giá cả sinh hoạt tăng cao. Đại sứ quán đã thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho một số trường hợp đặc biệt khó khăn, tổ chức tặng quà, động viên cộng đồng người Việt Nam tại Sri Lanka đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, cùng vượt qua giai đoạn khó khăn đồng thời thông báo cho công dân đường dây nóng của Đại sứ quán để liên hệ trong trường hợp cần sự trợ giúp.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka sẽ tiếp tục duy trì trao đổi với các đầu mối cộng đồng, lên kế hoạch và kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ bà con trong điều kiện cho phép, Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng cho hay.

Việt Nam đẩy mạnh các biện pháp phòng chống nạn mua bán người

Cũng tại họp báo, trả lời báo giới về việc Bộ Ngoại giao Mỹ ra Báo cáo năm 2022 về tình hình mua bán người trên thế giới, trong đó có nêu tên Việt Nam và một số quốc gia khác, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao đã khẳng định: “Việt Nam đã và đang đẩy mạnh các biện pháp phòng chống nạn mua bán người”

Theo Phó Phát ngôn, triển khai Chương trình Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 vào tháng 2/2021, thời gian qua, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống mua bán người với sự vào cuộc và tập trung cao độ của tất cả các bộ, ngành và địa phương; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 và các văn bản chính sách, pháp luật về phòng ngừa mua bán người, lao động cưỡng bức, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Phó Phát ngôn nhận định, trên thực tế, tình hình phòng, chống mua bán người trong nước và qua biên giới cũng luôn được rà soát để kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp, khắc phục những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Việt Nam cũng đang tiếp tục nỗ lực thực hiện kế hoạch triển khai Thỏa thuận Toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) nhằm củng cố môi trường di cư minh bạch, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế.

Ngày 18/7, hướng tới Ngày Thế giới và Toàn dân phòng chống mua bán người 30/7, các bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Quốc phòng và Ngoại giao cũng đã ký Quy chế Phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, Phó Phát ngôn cho biết.

Trong phần trả lời câu hỏi của phóng viên Hãng Thông tấn AFP, Phó Phát ngôn nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn phía Hoa Kỳ trong thời gian tới hợp tác chặt chẽ hơn nữa để có đánh giá đầy đủ về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam; Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ cũng như các bên liên quan về những vấn đề hợp tác cụ thể để cùng nhau triển khai hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.

Động thái của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần DOC

Về động thái gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Vào ngày 15/7, Cục An toàn hàng hải Hải Nam của Trung Quốc đã ngang nhiên thông báo cấm tàu bè ra vào một khu vực rộng hơn 60.000km2 để phục vụ tập trận từ ngày 16 đến 20/7.

Khu vực tập trận nằm chồng lên phía Bắc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1974 đến nay.

Đây là một trong nhiều hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông từ đầu năm 2022 đến nay.

Theo Phó Phát ngôn: “Lập trường của Việt Nam về việc Trung Quốc diễn tập quân sự ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã được nêu trong phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao vào ngày 23/6/2022.

Một lần nữa, chúng tôi kiên quyết phản đối hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".

Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 23/6, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam với quần đảo này.

Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định động thái của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Thanh Thanh